Thắp hương trước linh cữu và bàn thờ Phật
Tín hữu có được vái nhang trước linh cữu người quá cố và bàn thờ Phật khi dự đám tang tôn giáo bạn không?
(Bạn đọc Nguyễn Hoàng Nam – Q. Bình Tân, TPHCM thắc mắc)
– Trả lời của linh mục Vinhsơn Nguyễn Thế Thủ, giáo sư Phụng vụ, Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn:
Khi người Công giáo đến viếng đám tang của bạn bè, thân hữu… khác tôn giáo vẫn thường niệm hương, vái nhang trước linh cữu người quá cố. Không thể cho rằng đây là cử chỉ thờ phượng mà thể hiện sự kính trọng đối với người đã khuất. Ủy ban Văn hóa trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam đã có văn kiện hướng dẫn (vào năm 2019) việc thờ kính tổ tiên, trong đó nêu ra những chỉ dẫn chi tiết về việc tín hữu tham dự tang lễ của người Công giáo và các tôn giáo khác: “Trong lễ tang của giáo dân hay lương dân, giáo dân được thắp hương, vái hương trước thi hài người quá cố như dấu chỉ trân trọng người quá cố và bày tỏ lòng tin vào sự Phục Sinh, ‘Ai cùng chết với Đức Kitô sẽ được cùng sống lại với Người’ (Rm 6,8)”. Như vậy, khi thực hành nghi thức này – dù trong đám tang của người Công giáo hay ngoài Công giáo – là còn chứa đựng tâm tình, niềm tin sâu xa ngoài việc tôn trọng, tưởng nhớ họ, đó là tin tưởng về sự Phục Sinh mai sau. Thực tế cho thấy, khi người tôn giáo khác đến viếng người đã khuất là tín hữu Công giáo, họ cũng thắp nhang, cúi đầu, nói lên niềm tôn trọng.
Văn kiện hướng dẫn việc thờ kính tổ tiên của HĐGMVN cũng chỉ rõ: “Trong lễ tang, được vái lạy trước thi hài người quá cố, đốt hương, vái theo phong tục địa phương, để tỏ lòng cung kính người đã khuất, cũng như Giáo hội cho đốt nến, xông hương, nghiêng mình trước thi hài người quá cố”; “Phải coi là được phép và xứng hợp tất cả những cử chỉ như cúi đầu và những biểu lộ khác có tính cách tôn trọng dân sự trước những người quá cố hay hình ảnh và bài vị mang tên họ” (Plane Compertum Est, 4). “Với lễ tang theo nghi thức Phật giáo, khách viếng thường được mời thắp hương và niệm hương trước bàn thờ Đức Phật trước khi viếng thi hài người quá cố. Trường hợp này, đốt hương và niệm hương trước Đức Phật như một đấng đáng tôn kính, không mang ý nghĩa như thờ phượng Thiên Chúa”.
Nguồn: Báo Công giáo và Dân tộc