Nhu cầu được thừa nhận là gì?

 Nhu cầu được thừa nhận là gì?

Nhu cầu được thừa nhận là gì? Phải làm gì để phát triển bản thân tốt nhất?

 “NHU CẦU ĐƯỢC THỪA NHẬN” LÀ GÌ?

Nhu cầu được thừa nhận chính là cảm xúc muốn được công nhân một điều gì đó từ người khác.

Các bạn đã nghe về “Tháp nhu cầu Maslow” bao giờ chưa? Nhu cầu được thừa nhận chính là tầng thứ 4 của tháp này. (→ Các bạn có thể tìm hiểu thêm về Tháp nhu cầu Maslow TẠI ĐÂY)

Các bạn hãy thử tưởng tượng xem. Nếu như các bạn là sinh viên mới ra trường, có thể thời gian đầu các bạn đi làm chỉ để nuôi sống bản thân. Nhưng khi bạn có một thu nhập và cuộc sống ổn định, yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến động lực làm việc của bạn sẽ không phải là tiền bạc, vật chất mà sẽ là công việc đó có giúp bạn cảm thấy được người khác hay xã hội thừa nhận hay không.

MUỐN ĐƯỢC THỪA NHẬN TỪ AI?

Nếu quan sát kĩ nhu cầu được thừa nhận, chúng ta có thể nhận thấy nó cũng là động lực tốt để cho con người hành động.

Học sinh cố gắng chăm chỉ học tập, nỗ lực đạt điểm cao trong những kì thi cũng chỉ là vì mong muốn được bố mẹ khen ngợi hay các bạn bè xung quanh nể phục.

Về cơ bản, con người thường mong muốn được những người xung quanh mình thừa nhận. Tuy nhiên vào thời đại hiện nay, khi không làm được điều đó, nhiều người có xu hướng tìm kiếm sự thừa nhận này qua Internet. Đó cũng chính là lý do nhiều người bị cho là “nghiện” mạng xã hội hay chơi Game.

 

ĐẶC ĐIỂM CỦA NHỮNG NGƯỜI CÓ NHU CẦU ĐƯỢC THỪA NHẬN QUÁ CAO

Nhu cầu được thừa nhận cũng là một loại “nhu cầu”, cũng giống như khi đói con người cần ăn, khi khát con người cần uống, do đó “nhu cầu” này cũng cần được thỏa mãn.
Và cũng chính cái cảm giác cố gắng để làm thỏa mãn cái “nhu cầu” đó sẽ tạo ra động lực để con người hành động.

Nếu như chúng ta biết kiểm soát nhu cầu này và biến nó thành động lực thì sẽ rất tốt, tuy nhiên nếu để nhu cầu này kiểm soát, tất cả việc chúng ta làm chỉ là để được “thừa nhận” thì nó sẽ trở thành một vấn đề hết sức nguy hiểm.

Các bạn thử nhớ lại những người xung quanh mình xem. Có người nào các bạn nghĩ là “Nhu cầu được thừa nhận” của họ đang hơi quá so với bình thường không?

 

NHỮNG NGƯỜI MÀ KHÔNG THỂ NGỪNG PR BẢN THÂN

Người có nhu cầu được thừa nhận quá cao chính là những người mà luôn PR bản thân không ngừng

Thử nhớ lại xem, xung quanh bạn có ai như thế này không?

Luôn khoe khoang, hoặc cố tỏ ra cho mọi người khác biết rằng mình có quen với người nổi tiếng

Luôn tỏ ra cho mọi người thấy mình đang dùng toàn hàng hiệu

Suốt ngày kể đi kể lại những câu chuyện huy hoàng trong quá khứ

Tất cả những người này đều chỉ muốn một điều, đó là sự “thừa nhận” từ người khác. Họ sử dụng quyền lực hoặc danh tiếng của những người hay vật không phải của bản thân mình và mong muốn người khác cũng công nhận mình có giá trị như những người hay vật đó. Nó cũng là 1 phần tâm lý của con người, khi luôn muốn mọi người nghĩ rằng mình là một cái gì đó đặc biệt.

Mặt khác, cũng có những trường hợp con người PR sự “đau khổ” của mình với mục đích để những người khác công nhận mình như một cái gì đó “đặc biệt”.

TẠI SAO NHU CẦU ĐƯỢC THỪA NHẬN LẠI TRỞ NÊN CAO QUÁ MỨC CẦN THIẾT?

Đặc điểm chung của những người có nhu cầu được thừa nhận cao là “Rất dễ bị kích thích quá độ và cũng rất dễ buông xuôi”. Lý do là những người luôn hành động dựa trên tiêu chuẩn là sự đánh giá của người khác.

Những người này sẽ không thể cảm nhận được giá trị của bản thân nếu không có sự “công nhận” của người khác.
Họ sẽ hay suy nghĩ kiểu như “Mình có phải là một người không có giá trị gì?”

Nói một cách công bằng, đã là con người thì hầu hết ai cũng đã một vài lần có kinh nghiệm về vấn đề này.

“Nếu con được điểm cao bố mẹ sẽ thưởng cho con một món quà!”

“Con phải học thật giỏi! Học kém thì không phải là con của cái nhà này!”

“Mày phải làm giống bọn tao. Nếu mày làm khác thì không phải người trong nhóm!”

Chắc hẳn ai cũng đã từng một vài lần bị nghe những câu kiểu như trên rồi đúng không? Từ khi còn rất nhỏ và trong vô thức, chúng ta khó có thể cảm thấy an tâm khi không có sự công nhận từ người khác.

Một phần nào đó, xã hội và phương pháp giáo dục của Việt Nam đang làm nhu cầu này ngày càng lớn hơn trong mỗi người.

NHU CẦU ĐƯỢC THỪA NHẬN VÀ MẠNG XÃ HỘI

Ở Việt Nam, mạng xã hội và cụ thế là Facebook vẫn đang phát triển rất mạnh. Và những mạng xã hội này có liên quan mật thiết đến nhu cầu này.

Khi các bạn đăng một cái gì đó lên mạng xã hội và bạn bè các bạn ấn nút “Like”, điều đó có nghĩa là bạn của bạn đã có phản ứng tích cực về bài đăng đó của bạn và bạn sẽ cảm thấy mình được “thừa nhận”.

Sử dụng mạng xã hội sẽ giúp chúng ta có thể tự do PR bất kì thứ gì mình muốn, và chúng ta có thể “nhìn thấy rõ” phản ứng của người khác. Có thể nói đây thực sự là một công cụ rất tiện lợi phục vụ cho “nhu cầu được thừa nhận” này.

Nhiều người hay nói Mạng xã hội phát triển mạnh là nhờ sự phổ cập của điện thoại thông minh. Tuy nhiên, theo mình còn một lý do khác nữa, đó là vì nó phục vụ rất tốt cho “nhu cầu được thừa nhận” của con người.

 

THUYẾT TÂM LÝ HỌC ADLER PHỦ ĐỊNH “NHU CẦU ĐƯỢC THỪA NHẬN” 

Về cơ bản, người Việt Nam chúng ta nếu so sánh với những nước ở Châu Âu hay Châu Á khác là những người rất hay để ý đến sự đánh giá của người xung quanh, và thường hay có xu hướng hành động chú trọng vào việc để nhận được sự đánh giá tốt từ những người khác.

Nhu cầu được thừa nhận càng cao thì có nghĩa là việc phụ thuộc vào người khác càng lớn.

Đây chính là vấn đề quan trọng của nhu cầu này. Chúng ta sẽ chỉ cảm thấy giá trị của bản thân khi được người khác công nhận. Nếu con người sống mà chỉ chăm chăm để ý xem người khác sẽ nghĩ gì về mình thì cuộc sống sẽ luôn luôn rất “ngột ngạt”.

Có một cuốn sách rất nổi tiếng ở Nhật trong vài năm trở lại đây và cũng đã có bản dịch tiếng Việt tên là “Dám bị ghét”. Dựa trên thuyết tâm lý học của Adler, cuốn sách phủ định hoàn toàn nhu cầu được thừa nhận này.

Theo tác giả, con người chúng ta không nên sống chỉ để làm thỏa mãn những kỳ vọng của người khác. Nếu như sống chỉ luôn để ý đến việc người xung quanh mình sẽ nghĩ gì về mình thì đó không phải là mình đang sống cuộc đời của mình mà là đang sống cuộc đời của người khác.

Để làm được điều này, đầu tiên chúng ta phải phân biệt được vấn đề là của ai, nếu là vấn đề của người khác thì mình không được xen vào và đồng thời cũng không để ai xem vào nếu là vấn đề là của mình. Theo tác giả, tất cả những vấn đề phát sinh trong quan hệ giữa người với người là do việc can thiệp vào vấn đề của người khác này gây nên.

(Các bạn có thể xem Video tóm tắt nội dung của sách “Dám bị ghét” của mình tại link sau: Review sách Dám bị ghét – Narau Japan)

 

CÁCH SỬ DỤNG NHU CẦU ĐƯỢC THỪA NHẬN MỘT CÁCH HIỆU QUẢ

Nhu cầu được thừa nhận được chia ra làm 2 loại chính.

Đó là nhu cầu được thừa nhận từ người khác và được thừa nhận từ chính bản thân mình.

Đương nhiên, nhu cầu được thừa nhận từ người khác là một vấn để hoàn toàn bình thường. Ai mà chẳng muốn được người khác khen ngợi hay cảm thấy vui sướng khi thấy mình làm việc có ích cho ai đó.

Tuy nhiên, nếu như chúng ta bất chấp tất cả, sống chỉ vì điều này thì nó sẽ trở thành vấn đề.

Vậy thì, điều chúng ta cần làm là gì?

Đầu tiên hãy tạo ra một tiêu chuẩn đánh giá bản thân của chính mình. Và đừng để ý quá nhiều đến những đánh giá của người khác.

Nhu cầu được thừa nhận tồn tại trong mỗi con người. Đôi khi nó thật sự phiền phức và là lý do để kìm hãm sự phát triển của các bạn. Thế nhưng đôi khi nó cũng sẽ là động lực để giúp chúng ta cố gắng.

Chúng ta không cần phải bỏ qua hay không để ý đến tất cả những đánh giá của người khác, việc quan trọng nhất ở đây là hiểu được và giữ được sự cân bằng giữa hai việc này.

Có một người Nhật rất nổi tiếng mà mình muốn giới thiệu đến các bạn qua bài viết này, đó là cầu thủ bóng chày Ichiro. Là một cầu bóng chày chuyên nghiệp, thế nhưng Ichiro luôn chỉ coi bản thân mình là đối thủ duy nhất cần phải vượt qua. Có lẽ đây cũng là lý do mà Ichiro trở thành một trong những người thành công và được yêu thích nhất Nhật Bản.

 

Nguồn: https://naraujapan.com/

 

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.