Nhạy cảm trong truyền thông

 Nhạy cảm trong truyền thông

Chào các bạn,

Truyền thông (communication) là từ chỉ đến tất cả mọi cách mà hai người thông tin cho nhau – nói, ra dấu, ngôn ngữ của cơ thể, nhìn, nghe, bắt tay, vỗ vai, chạm nhẹ, sờ…

Trong mọi cách truyền thông thì mắt và tai là quan trọng nhất – nhìn, quan sát, và nghe để hiểu được người đối diện.

Miệng và tay ít quan trọng hơn, chỉ cần khi mình nói hay chạm nhẹ tay chẳng hạn, nhưng thường thì nói rất ít, nói ít nhưng người kia có thể thấm nhiều, hoặc chạm ít nhưng người kia cảm nhiều, như khi nắm bàn tay chẳng hạn.

Bên dưới các công việc này có hai điều khác quan trọng hơn nhiều để các bạn có thể nhạy cảm với người đối diện:

1. Tĩnh lặng. Bạn phải tĩnh lặng, gạt mọi thứ khác ra khỏi đầu thì mới có thể chăm chú nghe người kia nói được, và để có thể biết bạn phải làm gì. Ngồi nói chuyện với một người bạn mà cái đầu của bạn thì đang đi chợ bên ngoài, vậy thì vừa bất lịch sự vừa rất yếu về truyền thông.

2. Bạn phải biết yêu người, dù người đó là ai để không có thành kiến làm mắt bạn mù và tai bạn điếc, nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu.

Nói chuyện với một người là lắng nghe tâm sự hay câu chuyện của họ, không phải để bạn có đủ thứ ý kiến của bạn – nghe và thông cảm, đây là hai mục đích của bậc thầy về nói chuyện. Nói chuyện như thế thì luôn mang bình an cho người.

Có nhiều cô cậu comment trên ĐCN mình đọc là biết ngay là khả năng communication của cô cậu rất thấp. Viết một câu mà không có một chút cảm xúc gì trong đó, và ngôn ngữ lại có thể làm người đọc bực mình, thì rất ngớ ngẩn về truyền thông. 90% của truyền thông là cảm xúc. Đừng lo tranh luận. Hãy lo nghe người kia nói gì, có cảm xúc gì trong đó, để mình có thể cảm thông mà nói chuyện.

Bạn sẽ không có nhiều bạn bè ở đời nhờ tranh luận giỏi, nhưng bạn sẽ có nhiều bạn bè nhờ thấu hiểu lòng người và cảm thông với họ.

Mà ai có nhiều bạn thì rất dễ thành công, vì làm gì cũng có nhiều người hỗ trợ.

Việc gì bạn làm ở đời mà cũng có một nhóm bạn bè trung thành làm chung với bạn thì nhất định phải thành lớn.

Bạn phải có khả năng chăm chú nhìn, chăm chú nghe, với một trái tim đầy từ tâm, để có thể thấu hiểu người đối diện một cách sâu sắc. Bạn cần có thiên nhãn thông để có thể thấy điều người khác không thấy, thiên nhĩ thông để nghe điều người khác không nghe, tha tâm thông để hiểu được trái tim của người khác.

Chúc các bạn luôn nhạy cảm.

Mến,

Hoành

© copyright 2015
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.