4.28 Có gì sai trái với việc nạo phá thai?

 4.28 Có gì sai trái với việc nạo phá thai?

Khi các phương tiện truyền thông cho biết về một bà mẹ bạo hành đã đánh con bà đến chết, tất cả mọi người đồng ý rằng đây là một tội ác khủng khiếp, dù hoàn cảnh cụ thể có thế nào đi nữa. Nhưng khi một bà mẹ mang thai đi phá thai, vì bà không muốn đứa con mình vì lý do tài chính hoặc vì lý do nào khác, nhiều người chỉ nhún vai.

Trong cả hai trường hợp, cho dù đứa trẻ đã 10 tuổi hoặc đang phát triển trong lòng mẹ mới có 3 tháng, vẫn là một đứa trẻ vô tội đã bị xử tử. Sự sống con người bắt đầu bằng việc thụ tinh, khi tế bào trứng của mẹ được thụ tinh bởi tế bào tinh trùng của cha (xem 4.26).

Khi cha mẹ cố ý làm gì đó để ngăn cản sự tăng trưởng của đứa con và làm cho nó chết, dù là ngay sau khi thụ thai, họ đang giết con của họ. Điều này hoàn toàn trái với những gì mà một đứa trẻ xứng đáng được nhận từ cha mẹ của mình: được yêu thương, được bảo vệ và nuôi dưỡng.

# Nạo phá thai

Đôi khi quá trình mang thai tự ngưng lại cách tự nhiên mà không do lỗi của ai. Cơ thể của người mẹ sau đó sẽ đẩy phôi ra khỏi mình trong quá trình sẩy thai. Thật buồn khi sẩy thai xảy ra tự nhiên vì có trục trặc nghiêm trọng với thai kỳ (xem 1.34).

Điều này rất khác với phá thai sàng lọc, được gây ra một cách cố ý (xem trong khung). Khi bạn nhìn thấy nỗi đau của cha mẹ, và đặc biệt là các bà mẹ, bạn có thể cảm nhận được nỗi đau sẩy thai, và bạn có thể hiểu sâu hơn sự vô nhân đạo của một vụ phá thai. Đức Giêsu đã phán: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy” (Mc 9, 37).

Chúng ta phải tiếp nhận lời này một cách nghiêm túc. Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa của sự sống. Giới răn thứ năm là “Chớ giết người” (xem 4.9). Mỗi người, dù là trẻ tuổi đến đâu, đều có quyền sống. Đó là lý do tại sao Hội Thánh lên án phá thai trong mọi hoàn cảnh (xem 4.30).

Luật nạo phá thai ở Hoa Kỳ khác nhau, nhưng từ vụ kiện Roe v. Wade năm 1973, Toà án tối cao đã tôn trọng nguyên tắc người phụ nữ có quyền riêng tư, bao gồm cả quyết định phá thai. Phá thai có thể bị hạn chế về mặt pháp lý khi trẻ được cho là có khả năng sống, nghĩa là có khả năng sống bên ngoài tử cung, nhưng những hạn chế đó rất hiếm.

Ở Việt Nam, chính phủ áp dụng chính sách kế hoạch hoá gia đình. Do vậy, nạo phá thai là hợp pháp ở những cơ sở y tế hợp pháp (xem Bản Hướng dẫn Quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản – Quyết định số 4620/QD-BYT của Bộ Y Tế ban hành ngày 25/11/2009).

Theo đó, dịch vụ tư vấn nạo phá thai được phép thực hiện công khai trong các cơ sở y tế, các nhân viên y tế sản nhi được đào tạo về kỹ thuật nạo phá thai, được phép nạo phá thai nhi đến tuần tuổi thứ 22; nhưng cơ sở y tế tư nhân không được phá thai trên 6 tuần tuổi (xem Thông tư 41/2011/TTBYT).

Người hoặc cơ sở y tế nạo phá thai trái phép bị xử lý hình sự (xem Điều 243 – Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009). Phá thai non thường được nói tránh bằng từ hoa mỹ là “điều hoà kinh nguyệt”. Cơ sở y tế có dịch vụ nạo phá thai được quảng cáo công khai trên các phương tiện truyền thông.

# Sự che đậy đáng xấu hổ

Trong ngành công nghệ phá thai và nền văn hoá chung, những từ ngữ được sử dụng để che giấu hành vi giết chết một người vô tội. Các thuật ngữ như “chấm dứt thai kỳ” và “các sản phẩm của quá trình thụ tinh” là phổ biến (xem 4.29).

Đây không phải là sự không chính xác về mặt kỹ thuật, nhưng chúng gây hiểu lầm khi họ thay thế ngôn ngữ phổ thông được sử dụng để mô tả về thai nhi và do đó hạ phẩm giá chúng. Mẹ Têrêsa đã từng nói rằng nạo phá thai là giết người 2 lần: nó không chỉ giết chết đứa trẻ, mà còn giết cả lương tâm của người mẹ. Quyết định phá thai đôi khi được thực hiện quá vội vàng và vô cảm.

Quyết định này rất thường đưa tới hậu quả nghiêm trọng và không thể đảo ngược, là một kinh nghiệm đau đớn. Nhiều phụ nữ đã phá thai phải chịu đựng mặc cảm tội lỗi, hối tiếc, và trầm cảm (xem 4.29). Cảm giác đầu tiên sau khi phá thai là một vấn đề đã được giải quyết, nhưng thường sau đó, thậm chí nhiều năm sau đó, sự hối tiếc có thể trồi lên. Và không gì có thể làm cho đứa trẻ sống lại.

Đó là nỗi đau có thể gần như không thể chịu nổi. May mắn là Thiên Chúa luôn luôn tha thứ cho những ai biết thống hối về những gì họ đã làm (xem 3.38). Nhiều phụ nữ đã nhận được lòng thương xót và chữa lành sau khi phá thai qua Bí tích Hoà giải.

Nỗi ô nhục của việc nạo phá thai

“Kẻ bị sát hại là một con người mới bắt đầu thành hình, một người con vô tội nhất mà ta có thể hình dung. Không bao giờ được coi nó như kẻ tấn công, lại càng không thể coi là kẻ tấn công bất chính! Nó yếu lắm, không tự phòng vệ, ngay cả biện pháp tự vệ tối thiểu nhất là tiếng kêu than và nước mắt của một hài nhi.” “Đứa trẻ chưa chào đời được giao phó hoàn toàn cho sự bảo vệ và chăm sóc của người cưu mang nó. Vậy mà đôi khi chính người mẹ lại quyết định và yêu cầu loại trừ nó và đi đến việc sát thai.” (ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae – Tin Mừng sự sống, 58)

Đọc thêm:
Nạo phá thai: GLHTCG 2270-2274, 2322; TYGLHTCG 470; YOUCAT 383

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.