4.48 Thế còn về chính trị, kinh tế, và môi trường thì sao?

 4.48 Thế còn về chính trị, kinh tế, và môi trường  thì sao?

Người tín hữu có bổn phận cao cả là dự phần vào đời sống cộng đồng. Xã hội chúng ta bao gồm cả người Công Giáo và người không Công Giáo, và mọi người cần phải sống hoà hợp với nhau. Chính trị là một phương diện quan trọng của thách thức này. Những người Công Giáo hoạt động trong lĩnh vực chính trị cần phải thực thi công lý và hoà bình cho tất cả mọi người (GLHTCG 2442).

Họ phải luôn bắt đầu với nền tảng của Tin Mừng và các giáo huấn của Hội Thánh. Nếu bạn đang cầm trên tay lá phiếu bầu cử, thường thì không dễ dàng gì để tìm được những ứng cử viên có quan điểm chính trị phù hợp với giáo huấn Công Giáo.

Tuy nhiên, việc bầu cử vẫn là một việc hệ trọng, nó thể hiện tiếng nói của bạn về cách mà một quốc gia phải được lãnh đạo. Lời cầu nguyện và tiếng lòng của bạn cùng với những quan điểm từ giám mục hay Hội đồng Giám mục có thể giúp bạn đưa ra lựa chọn tối ưu.

# Kinh tế

Chính trị và kinh tế thường có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Cũng giống như hệ thống chính trị, hệ thống kinh tế cũng rất cần được mọi người quan tâm. Thường thì không phải như thế. Chủ nghĩa tư bản khuyến khích sở hữu cá nhân và mậu dịch tự do (nền kinh tế thị trường).

Những nguyên tắc này đem lại nguồn thu lớn cho các nước phương Tây. Tuy vậy, nền kinh tế này đem đến một nguy cơ lớn: những người nghèo nhất và những kẻ yếu thế nhất có thể bị đẩy ra bên lề xã hội. Và nếu chính trị không can thiệp vào, thì người giàu lại càng thêm giàu, trong khi người nghèo trở nên nghèo hơn. Điều này cũng diễn ra tương tự trên cán cân toàn cầu: các nước giàu, với nguồn tài nguyên phong phú, có thể ngày càng giàu hơn trên sự trả giá của các nước nghèo hơn.

Do đó, việc chính phủ các nước hợp tác lại với nhau để mọi người có thể cùng được chia sẻ những tài nguyên trên trái đất là một việc làm cần thiết. Trong một Tông huấn, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI yêu cầu rằng chính trị và kinh tế phải được dẫn dắt bởi quy tắc về bác ái Công Giáo (xem 2.3).

# Người quản lý

Con người được Thiên Chúa ban cho quyền cai quản và bảo vệ thiên nhiên mà Ngài sáng tạo nên (xem St 1, 28; xem bảng). Chúng ta có trách nhiệm quản lý những tài nguyên thiên nhiên sẵn có ấy một cách hợp lý và bền vững. Đây là cách chúng ta thể hiện lòng biết ơn đối với tạo vật do Thiên Chúa tạo nên. Một điều quan trọng nữa là, ta cần bảo đảm sự chia sẻ công bằng những tài nguyên quý báu mà ta đã được Thiên Chúa trao phó.

Không phải chỉ thế hệ đương thời mới có quyền sử dụng của cải trên trái đất, nhưng cả những thế hệ kế tiếp cũng có quyền ấy. Đồng thời, mối bận tâm của chúng ta lúc này là, làm sao để vừa phát triển kinh tế ở các nước nghèo, mà vẫn không phá hủy môi trường thiên nhiên.

Những vấn đề về đoàn kết nhân loại, hoà bình thế giới và mối quan tâm đến môi trường sinh thái có mối liên hệ mật thiết với nhau. Một lối sống tiết kiệm có thể góp phần rất lớn để mọi người cùng được tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên địa cầu (xem 3.19).

# Mối quan tâm của Đức Giáo Hoàng đến vấn đề môi trường

Có lẽ giáo hoàng không phải là người đầu tiên mà ta nghĩ tới khi tìm kiếm những cộng sự để bảo vệ môi trường (xem trong khung). Nhưng Kitô hữu là những người được Thiên Chúa giao phó trách nhiệm chăm sóc thế giới tự nhiên.

Thiên Chúa đã tạo dựng cây cối, thú vật, và toàn thể tạo vật ấy được tác thành nhằm đem lại hạnh phúc cho loài người (GLHTCG 2415; xem trong khung). Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI khẳng định một cách dứt khoát rằng mỗi người đều có trách nhiệm trong việc bảo vệ các tạo vật do Chúa tạo nên (1/1/2010).

 

Thành phố Vatican và vấn đề môi trường

Trong thánh lễ công khai đầu tiên của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi mọi người phải có bổn phận bảo vệ môi trường (19/3/2013). Dưới thời Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, trên mái vòm của sảnh lớn ở Vatican, những tấm pin mặt trời – thứ tạo ra rất nhiều năng lượng – được lắp đặt, và giờ đây, Vatican được biết đến là nơi sạch nhất trên trái đất, nơi sản xuất ra 200W điện năng trên mỗi đầu người, so với mức 80W ở Đức và 4W ở Ý. Cảnh sát ở quảng trường Thánh Phêrô dùng những chiếc ô tô chạy bằng năng lượng điện, và những du khách cũng được sử dụng những chiếc ô tô này khi tham quan các khu vườn Vatican. Thêm vào đó, Vatican là nơi duy nhất trên thế giới có mức độ CO2 trung tính, nơi tất cả lượng CO2 thải ra đều được cây xanh hấp thụ, một cánh rừng đã được trồng ở Hungary năm 2007 dành riêng cho mục đích này.

Thử nghiệm trên động vật

Khi sáng tạo thế giới, Thiên Chúa đã trao phó cho loài người quyền chăm sóc các loài thú vật (xem St 2, 19-20). Có sự khác biệt rất lớn giữa con người và động vật (xem 1.3). Động vật không có các quyền giống như con người. Thí dụ, chúng ta có thể dùng động vật làm thức ăn hay trang phục. Vì Thiên Chúa đã trao phó các loài động vật cho ta vì lợi ích của ta, thế nên ta có thể dùng chúng để làm các nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên “gây đau đớn hay giết chết các con vật khi không cần thiết là điều trái với phẩm giá con người” (GLHTCG 2418). Các cuộc thí nghiệm trên động vật chỉ được chấp nhận khi đó là cách duy nhất đóng góp vào chất lượng cũng như để duy trì sự sống loài người.

 

Đọc thêm
– Chính trị: GLHTCG 2442; TYGLHTCG 519; YOUCAT 440.
– Chủ nghĩa tư bản và kinh tế thị trường: GLHTCG 2426, 2459; TYGLHTCG 511; YOUCAT 442.
– Toàn cầu hoá: YOUCAT 446.
– Bảo vệ môi trường: GLHTCG 2407-2418, 2450-2457; TYGLHTCG 506-508; YOUCAT 436-437

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.