Lắng nghe giới trẻ

 Lắng nghe giới trẻ

CÂU CHUYỆN MỞ ÐẦU

Có một người thanh niên, lúc 20 tuổi, ước mơ và cầu xin thay đổi thế giới. Khi 40 tuổi, anh mơ ước thay đổi gia đình. Vào tuổi 60, anh chỉ xin đủ sức thay đổi bản thân. Và anh hối tiếc: “Lúc 20 tuổi, giá như anh đã cầu xin và ước mơ như thế, thì hy vọng đã thay đổi được bản thân, và từ đó, anh có thể đổi thay gia đình và đổi mới thế giới rồi”! Lý tưởng, nhưng nên bắt đầu từ bản thân.

Thánh Biển Ðức xác tín: “Chúa thường mạc khải điều tốt lành cho những người trẻ tuổi nhất”. Giới trẻ là tương lai, nên bộc lộ tương lai. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thành lập ngày giới trẻ thế giới, để “nắm bắt, biện phân và góp phần định hướng và định hình tương lai cho Giáo hội và thế giới”. Người trẻ hôm nay, cần có đức tin, và sự phân định ơn gọi[1]. Ðức Kitô cũng là một người trẻ, và là người trẻ trưởng thành[2]. Ba chân lý luôn giữ được niềm hy vọng, đó là “Chúa yêu con”; “Chúa cứu con” và “Ngài đang sống”[3]Như Ðức Giêsu đã truyền lệnh cho người thanh niên: hãy trỗi dậy[4]! Hãy trỗi dậy… ta chọn ngươi làm chứng nhân về những điều ngươi đã thấy[5].

Sau đây, tôi xin chia sẻ: Giới trẻ là ai? Họ nói gì? Và Nghệ thuật lắng nghe họ nói?

GIỚI TRẺ LÀ AI?

Theo Phúc Âm, họ là một người giàu, có khát vọng lý tưởng. Họ đã hỏi Chúa về sự sống đời đời[6]. Họ là một người thực tế, đòi hỏi quyền lợi, tự do, và hưởng thụ: “Xin cha chia gia tài”. Họ là một người khuyết tật, được “Nhìn thấy ánh sáng”[7]? Họ là một người chết trẻ, được Chúa Giêsu cho sống lại[8]. Theo Công đồng, trong thư gởi giới trẻ, các nghị phụ đánh giá: Họ là ánh sáng, kiến tạo xã hội ngày mai. Họ đòi hỏi tôn trọng phẩm giá, tự do và quyền lợi. Nhưng cũng có người sống theo bản năng, ích kỷ, buông thả, hung bạo, hận thù và ham khoái lạc, dẫn tới thất vọng và hư vô, suy nhược, già cỗi[9]. Và Giáo hội tin, cậy, yêu mến và mong ước họ trở thành chủ thể tích cực tham gia vào công việc Phúc Âm hóa và đổi mới xã hội. Còn văn hóa Việt Nam cho rằng, người trẻ thì khỏe nhưng chưa đủ khôn ngoan. Lại hay bị coi là háu đá, vội vàng.

GIỚI TRẺ NÓI GÌ?

Tin Mừng thuật lại: người thanh niên “bắt đầu nói”. “Nói” là đi vào mối tương quan với người khác. Không nói, không đối thoại, như người chết. Diễn đàn Thanh niên của Giáo hội đưa ra quan điểm của giới trẻ: mầu nhiệm của sự sống và cái chết, ý nghĩa của sự tồn tại, vẻ đẹp, công việc, tình yêu và tình bạn…Tôi xin đề cập tới ba điểm đặc biệt sau đây.

1. Tương lai. Theo nghiên cứu tâm lý, thì có tới 80% người trẻ nói về tương lai, ước mơ và lý tưởng. Theo chủ trương “tương lai là quá khứ và hiện tại kéo dài”, nên đã có “Giáo dục hôm nay, xã hội ngày mai”. Nhưng thời nay, người ta lại nhấn mạnh: “Xã hội và giáo hội ngày mai, giáo dục hôm nay”. Tại Singapore, dân chúng đã có tầm nhìn và hành động cho 50 năm sắp tới. Vì thế, từ trẻ em tới người già chỉ cần lướt nhẹ máy tính, sẽ thấy và biết phải làm gì để đạt tới tương lai, từng kế hoạch 5 năm và từng năm. Như thế, tuổi trẻ cần biết “Thế giới đang đi về đâu? Việt Nam là gì và làm gì trong thiên niên kỷ mới? Giáo hội, sau Công đồng, nhất là Thượng hội đồng Giám mục thế giới, 2023 có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt và độc đáo gì”? Biết tương lai, để người trẻ cùng với Giáo hội và Dân tộc chuẩn bị hành trang vươn tới.

2. Dân chủ, tự do và giàu có. Ðó là xu thế lịch sử thời đại, không thể đảo ngược. Giới trẻ đối thoại, không thích ra lệnh. Dân chủ, tự do là điều kiện sáng tạo; không có sáng tạo, đổi mới không thể sánh kịp thế giới khoa học số, thời đại bùng nổ công nghệ 4.0. của Tây phương tràn vào.

3. Lý tưởng và thực tế. Làm thế nào để giúp người trẻ sống tích hợp: “Ðông – Tây” và: “Cả…cả…: “Cả giàu sang đời này lại được cả đời sau, vĩnh hằng”? Liêm chính và chân thành; biết ơn và chính trực; yếu đuối, khuyết điểm và đại độ thông cảm.; tình yêu và tình bạn; làm sao sống đẹp và hạnh phúc? Cái đẹp và tình yêu cao thượng. Tình yêu, sự chết và trỗi dậy? Hài hòa “Ân sủng và thực tại. Ðức tin và khoa học. Tâm linh và khoa học”. Ðó là cả một chuỗi kỹ năng và nghệ thuật sống cần giúp cho người trẻ.

NGHỆ THUẬT LẮNG NGHE?

1. Thân thích. Trong một nền văn hóa làm cho người trẻ bị cô lập và rút vào những thế giới ảo, người trẻ sẽ lãng quên ký ức, lãng quên lịch sử, bác bỏ kinh nghiệm của thế hệ trước; coi thường quá khứ và chỉ nhìn về tương lai hứa hẹn. Ðó là cạm bẫy của tuổi trẻ tự mãn và cho rằng những gì không trẻ trung đều tồi tệ và lỗi thời. Là bạn đường và là bạn thân của người trẻ, Giáo hội gần gũi, chân thành lắng nghe, có biện phân, gạn đục khơi trong, hầu giúp giới trẻ thành đạt và hạnh phúc.

2. Tin tưởng. Giáo hội tin tưởng vào khả năng của các bạn trẻ và giúp họ tín nhiệm vào Thiên Chúa tốt lành, công bình làm cho đời có ý nghĩa. Tránh tình trạng, khi học giáo lý, hay những khóa đào tạo, với nội dung quá giáo điều, chỉ nhằm đạo đức và ý hướng. Kết quả là nhiều bạn trẻ cảm thấy chán, mất nhiệt thành tìm gặp và đi theo Chúa, bỏ dở chặng đường, trở nên buồn chán và tiêu cực, mất tin tưởng và xa rời hội thánh.

3. Thuận theo. Lãnh đạo nghe giới trẻ, giới trẻ sẽ nghe lãnh đạoMột Giáo hội pháo đài, quá e ngại, quá khuôn khổ, trong thế phòng thủ, tự vệ trước mọi sai sót từ bên ngoài, sẽ đánh mất sự khiêm nhường, không còn chịu lắng nghe, không để người khác chất vấn, để mất đi thế hệ trẻ và trở nên một viện bảo tàng. Lắng nghe tiếng gọi, nghị lực trẻ trung, phục vụ, một Giáo hội sống động sẽ lưu ý đến những yêu cầu chính đáng của mọi người, nhất là của giới trẻ và của phụ nữ, mong mỏi được đối xử bình đẳng và công bằng hơn.

KẾT LUẬN
1. Giới trẻ là những người có sức, có lý tưởng và thực tiễn, nhưng họ cũng còn nhiều khiếm khuyết. Có ba điều khó biết: “Ðường chim bay, đường rắn bò và lòng thanh niên”. Tuy nhiên, Chúa Kitô yêu, cứu và Ngài đang sống với họ, vì họ là chủ nhân và chứng nhân tương lai. Chúng ta tin, cậy, yêu, hy vọng và chăm sóc giới trẻ. Xin hãy nhìn Giáo hội, sẽ thấy khuôn mặt Ðức Kitô[10]. Hãy tín nhiệm Giáo hội Chúa Kitô, vị Anh hùng chân chính, khiêm tốn và khôn ngoan; vị ngôn sứ, của Chân lý và tình yêu, là bạn đường và là bạn thân của người trẻ. Không ai yêu con bằng Mẹ, không ai thật bằng Cha, Giáo hội Chúa Kitô là cả Cha cả Mẹ, lúc nào cũng đại độ, bao dung, tha thứ. Dù con có thế nào, thì con vẫn là con của Mẹ Giáo hội.

2. Người trẻ trưởng thành là biết trở về với gia đình. Ai trong chúng ta, cũng có những khuyết điểm, nhất là có lỗi với cha với mẹ. Hãy sống hiếu thảo “kính trọng cha và vâng lời mẹ”, tránh làm cha mẹ buồn lòng, biết “hy sinh, quên mình, phụng sự”, góp phần làm cho bầu khí gia đinh vui tươi, hạnh phúc.

3. Xã hội, Giáo hội cần có một người bạn trẻ chân thành, trung thựctinh thần trách nhiệm và lạc quanViệc sống trung thực có thể thường mang đến những thiệt thòi và tinh thần trách nhiệm có thể khiến vất vả và đòi phải hy sinh, đó là những thử thách mà mỗi bạn trẻ phải vượt qua để có thể trao ban đức tin cho người trẻ hôm nay.

Lm. Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh (D.Min.)
Nguồn: http://www.cgvdt.vn