4.41. Bạn sẽ phải xuống hỏa ngục khi tự tử không?
Tự giết chính mình, hay còn gọi là tự tử, là một hành động cực kỳ liều lĩnh và nghiêm trọng. Khi người ta cảm thấy hoàn toàn bế tắc trong bóng tối vô tận và không tìm thấy lối thoát, họ sẽ cảm thấy cuộc sống nơi dương thế này vô nghĩa biết dường nào. Tuy vậy, tự tử không phải là cách giải quyết cho vấn đề này, nó luôn luôn là một điều sai. Chúng ta đã lãnh nhận sự sống từ Thiên Chúa, nhưng chúng ta không được quyền tự quyết định khi nào kết thúc sự sống ấy (xem 4.38).
# Không lối thoát?
Tự tử là hành động trực tiếp đi ngược lại với khuynh hướng tự bảo vệ của con người (GLHTCG 2281), tuy nhiên những người tự kết liễu đời mình thường bị vướng vào những vấn đề mà họ không thể nhìn cách tường tận. Họ đã lãng quên niềm cậy trông vào Chúa và lãng quên Thiên Chúa. Họ không còn nghe theo những gợi hứng của Chúa Thánh Thần. Nhưng họ đâu biết rằng chính trong những thời khắc ấy, chính những khi cuộc sống dường như đi vào bế tắc, lại là lúc họ cần đến những gợi hứng nhất! Đó cũng là lý do Thánh Phaolô đã nguyện cầu rằng: “Xin Thiên Chúa là nguồn hy vọng, ban cho anh em được chan chứa niềm vui và bình an nhờ đức tin, để nhờ quyền năng của Thánh Thần, anh em được tràn trề hy vọng” (Rm 15, 13).
# Tội lỗi
Ta không phải là chủ nhân của sự sống mình, nhưng sự sống ấy được chính Thiên Chúa ban tặng (GLHTCG 2280). Tự tử là một tội ác, nó chống lại lòng biết ơn và tình yêu đối với Thiên Chúa. Sự sống Ngài đã tạo nên bằng tình yêu thương không nên bị phá hủy trong những giây phút tuyệt vọng. Điều đó hoàn toàn chống lại Ý muốn của Thiên Chúa. Tự tử đi ngược lại với tình yêu chính mình theo đúng nghĩa của nó, nghĩa là ta phải chăm sóc sự sống là món quà vô giá mà Thiên Chúa đã ban tặng cho ta. Hơn thế nữa, tự tử cũng đi ngược lại tình yêu tha nhân bởi vì nó làm tổn hại đến mọi người xung quanh và đến xã hội nói chung (xem Lv 19, 18). Cha mẹ, gia đình và bạn bè sẽ mang mãi vết thương lòng khó lành và niềm hối hận khôn nguôi. Rõ ràng rằng không ai được cộng tác để giúp một người tự tử (GLHTCG 2282; xem 4.38). Khi ai đó bị trầm cảm, họ không thể đưa ra những quyết định sáng suốt, đặc biệt khi họ toan tính tự tử. Trầm cảm thường kéo dài trong một khoảng thời gian, nhưng cái chết là vĩnh cửu. Vì thế chúng ta cần rất cảnh giác khi ai đó quanh ta có dấu hiệu trầm cảm: chúng ta cần phải lưu ý rằng người đó vẫn đang mở ra để nhận sự trợ giúp.
# Đừng phán xét
Mặc dù vậy, chúng ta không được phép phán xét một người tự tử, và cũng không được khẳng định rằng người đó sẽ không được lên Thiên đàng. Thông thường, những người tự tử sẽ không phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những việc họ đã làm, bởi vì họ đã phải hứng chịu những nỗi đau từ những vấn đề tâm lý nghiêm trọng. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể phán xét linh hồn của một người sau khi họ chết. Chỉ có Thiên Chúa mới biết những lý do thực sự đưa họ đến hành động liều lĩnh ấy (xem Dt 4, 13). Điều đó có nghĩa là chúng ta vẫn có thể hy vọng và cầu nguyện rằng một người sau khi tự tử vẫn có thể được lên Thiên đàng.
Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn hy sinh mạng sống mình cho người khác?
Năm 1941, một linh mục người Ba Lan là Thánh Maximilian Kolbe được đưa đến trại tử thần Auschwitz. Khi một người cha (có hai con) bị Đức quốc xã tuyên án tử, cha Kolbe đã can trường đứng lên và tình nguyện chết thay cho ông ta. Bằng cách đó, ngài đã cứu được mạng sống của người cha ấy qua việc hy sinh mạng sống của chính mình. Điều này hoàn toàn khác với tự tử: theo gương Đức Giêsu, cha Kolbe đã hiến dâng chính mình nhân danh một tình yêu khác. Ngài đã không chết bằng chính tay mình, nhưng bị tàn sát bởi những tên lính trong trại tử thần.Và do đó, cha Kolbe cuối cùng đã được phong thánh (xem 4.17).
Chôn cất hay hỏa thiêu?
Người Công Giáo đã có truyền thống chôn cất người chết từ lâu đời. Bằng cách đó, chúng ta thể hiện sự tôn kính đối với thân xác được Thiên Chúa tạo dựng, thân xác mà trong suốt cuộc đời của mình được xem như là “đền thờ của Chúa Thánh Thần” (1Cr 6, 19). Hơn nữa, chúng ta tin rằng, tới ngày tận thế, mọi thân xác đã chết đều sẽ được hồi sinh (xem 1.50). Thân xác và linh hồn sẽ được tái hợp nên một. Nhiều người cho rằng khi được chôn cất thay vì hỏa táng, cơ hội để được tái sinh sẽ nhiều hơn. Tuy nhiên điều này không chính xác. Mỗi người khi chết đều sẽ được sống lại. Đó là lý do tại sao Hội Thánh cho phép hỏa táng người chết. Sau khi hỏa táng, tro cốt không được cất giữ trong nhà hay rải ra đâu đó, nhưng nên được chôn cất với lòng tôn kính hoặc đặt trong nhà chứa tro cốt. Tuy nhiên, chôn cất vẫn là lựa chọn được ưu tiên hơn. Trong Kinh Thánh, thân xác con người luôn luôn được chôn cất (xem Đnl 21, 23; Ga 11, 38-39; 19, 40). Vì nó là một dấu hiệu cho rằng sự chết chỉ là “đang yên nghỉ” hay “an giấc trong Chúa”, và mong đợi một ngày nào đó sẽ được tái sinh trong vùng đất thiêng liêng. |
Đọc thêm
– Tự tử: GLHTCG 2280-2283, 2325; TYGLHTCG 470; YOUCAT 379.