2.25 Đời sống đan tu bắt đầu như thế nào?

 2.25 Đời sống đan tu bắt đầu như thế nào?

Từ buổi đầu của Hội Thánh, đã có những người nam, người nữ muốn đi theo sát Đức Giêsu bao nhiêu có thể. Thay vì lập gia đình, hay tái hôn nếu họ bị goá chồng (vợ), họ đã dâng hiến trọn vẹn bản thân mình cho Thiên Chúa hơn bằng đời sống cầu nguyện, sống đơn sơ, và trao ban cách quảng đại để trợ giúp Hội Thánh và giúp đỡ người nghèo. Không tìm kiếm cái chết tử vì đạo, sự dâng hiến hoàn toàn của họ lên Đức Giêsu trở nên hoàn hảo (xem 2.19).

# Chỉ với một mình Thiên Chúa
Khi các cuộc bách hại của những thế kỷ đầu tiên đã chấm dứt, nhiều Kitô hữu đã tự hỏi làm thế nào để đi theo Đức Giêsu cách triệt để mà không có cái chết thân xác vì Đức Giêsu như các vị tử đạo. Và vì thế, những cách thức khác để dâng hiến toàn thân cho Thiên Chúa xuất hiện.
Trong thế kỷ thứ III, có những người nam, người nữ đã rút vào sống một mình trong sa mạc để chỉ tập trung vào một mình Thiên Chúa. Thánh Antôn Viện phụ (†356) là vị ẩn sĩ nổi tiếng đầu tiên. Thánh nhân đã nghe lời mời của Đức Giêsu nói với chàng thanh niên giàu có: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mt 19, 21). Để đáp lại, Thánh Antôn đã đi vào sa mạc Ai Cập, sống một mình với Đức Giêsu.

# Cộng đoàn
Năm 325, Thánh Pacôm, người Ai Cập bắt đầu sống trong cộng đoàn với các ẩn sĩ khác. Các vị đã khấn giữ vâng lời bề trên và hiến thân cho Tin Mừng. Những cộng đoàn khác được Thánh Basiliô Cả (†379), Viện phụ của đời đan tu Đông phương, thiết lập ngay sau đó. Vào thế kỷ thứ IV, Thánh Augustinô, giám mục của Hippô sống đời sống cộng đoàn cùng với các linh mục trong giáo phận của ngài. Điểm khởi đầu của ngài là mô phỏng lại đời sống các Kitô hữu đầu tiên, những người “một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung” (Cv 4, 32).

# Chăm sóc người nghèo
Mặc dù người không phải là tín hữu Kitô có thể chăm sóc gia đình riêng của mình, và những người giàu có đôi khi rất rộng lượng, nhưng phần lớn trong thế giới cổ xưa, không có những tổ chức bác ái. Tuy nhiên điều này đã thay đổi cùng với sự trỗi dậy của Kitô Giáo, dựa trên những lời trong Kinh Thánh: “Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được?” (1Ga 3, 17).
Hội Thánh sơ khai đã chọn những người nam làm phó tế để chăm sóc cho người nghèo (xem Cv 6, 2-3). Thánh Basiliô Cả, một đan sĩ, đã thành lập bệnh viện đầu tiên vào thế kỷ thứ IV. Ở Tây Âu, các đan viện trở thành không những trung tâm bác ái, mà còn văn hoá. Tại các trung tâm này, các đan sĩ trở nên  chuyên nghiệp trong các lãnh vực y khoa, kỹ sư, kiến trúc, nghệ thuật, trồng trọt và chăn nuôi. Đồng thời, các đan sĩ cũng đã cổ võ nâng cao văn hoá tri thức trong các thư viện của mình và các phòng sao chép Kinh Thánh (scriptoria), nơi nhiều cuốn sách được viết bằng tay và được nghiên cứu. Đây là gốc của những trường học Kitô Giáo đầu tiên, sau này có những trường đại học trong thành phố mọc lên xung quanh các đan viện.

 

Đời sống theo luật
Luật đan tu là một bộ luật gồm những hướng dẫn và điều khoản giúp cho các đan sĩ sống với nhau như một cộng đoàn tu trì của những người cùng tu. Được gợi hứng từ luật của Thánh Pacôm, Thánh Basiliô và Thánh Augustinô, Thánh Biển Đức đã viết luật đan tu cho cộng đoàn của ngài vào thế kỷ thứ VI. Vâng lời, khó nghèo, và khiết tịnh có vị trí rất quan trọng trong bộ luật này. Đây chính là ba Lời khuyên Tin Mừng, tạo nên căn cốt của lời khấn dòng. Qua bộ luật và việc thành lập các tu viện của ngài, Thánh Biển Đức trở thành Tổ phụ của đời đan tu ở Tây phương.
Bộ luật đan tu của Thánh Biển Đức có một ảnh hưởng rất lớn trên dòng Biển Đức (O.S.B) và những dòng đan tu khác. Bộ luật của ngài giúp cho các đan sĩ được lớn lên trong tình thân với Thiên Chúa. Những người đi theo tu luật Thánh Biển Đức được gọi là những tu sĩ dòng Biển Đức, tuyên hứa sống chung với nhau trong cùng một nơi (vĩnh cư – stabilitas loci), và không di chuyển đến nơi khác vì những khó khăn trong đời sống cộng đoàn.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *