Tư duy mì ăn liền
Rất nhiều bạn nhắn tin hỏi sao mình làm gì một chút là chán, là bỏ, không bao giờ theo tới cùng được, và hỏi có cách nào để chữa bệnh này không. Khó ghê! Bệnh này là bệnh xuất phát từ thói quen tư duy mỳ ăn liền đã được trui rèn từ nhỏ. Thói quen tư duy này có thể được hình thành và củng cố từ nhiều nguồn khác nhau.
Đầu tiên là từ gia đình, khi gia đình ôm ấp nâng niu quá, việc gì cũng có người hầu hạ làm thay. Khi bản thân không tự trải nghiệm làm một điều gì đó, không được trải nghiệm khó khăn khi bắt tay vào làm, không thất bại khi tự dấn thân thì mình sẽ không bao giờ hiểu con đường nào cũng gập ghềnh, làm việc gì cũng có challenge – thử thách. Không ai trên đời làm gì cả đời đều suôn mượt hết cả. Chỉ có người không làm mới không hiểu đạo lý đơn giản đó thôi. Cho nên, gia đình đừng vô tình nuôi tư duy mỳ ăn liền, búng tay một cái là có cho các em. Vậy là hại các em vì làm mất đi phẩm chất persistence – kiên trì theo đuổi và làm cho tới nơi khi dấn thân vào bất cứ việc gì. Thay vào đó, các em sẽ dễ chán, gặp chút khó khăn là bỏ cuộc, gặp chút gian nan là bỏ chạy.
Nguyên nhân thứ hai có thể đến từ hệ thống giáo dục. Nếu cách giáo dục là bài văn mẫu, nghe sao chép vậy, khung sao vẽ vậy và toàn là điểm cao ngất ngưởng thì các em sẽ quen với việc cứ đổ nước sôi vào là mỳ sẽ nở ra, không cần làm gì khác. Cách tiếp cận này khiến cho thế hệ trẻ mất khả năng tư duy từ gốc rễ, tư duy logic từ zero đến hero, không có khả năng tự xây dựng một thứ gì đó từ con số không, không có khả năng tìm đường, dò đường, kiến tạo con đường và hành trình, mà chỉ ngồi đó chờ người ta vẽ sẵn rồi mình bấm nút enter cho nó nhanh. Lâu ngày, nó thành thói quen mỳ ăn liền, và đương nhiên vì vậy mà chỉ thích có kết quả ngay, tức thì, không cần làm gì nhiều, chứ không hiểu hành trình dấn thân mới chính là kết quả. Mà khi đã là thói quen, phải trị bằng thói quen mới, nghĩa là phải học và rèn luyện tư duy tự thân vận động lại từ đầu.
Nguyên nhân thứ ba có thể đến từ sự ra đời của mạng xã hội, cần gì thì tìm kiếm trên mạng, muốn gì thì bắn câu hỏi quá nhanh quá nguy hiểm, làm gì không xong thì post tút thiệt emo vào vì đó là trend, sẽ có nhiều người bắn tim và đồng cảm. Làm không phải là thứ cần theo đuổi. Chủ yếu là lên tút cho nó rộn ràng trên dòng thời gian. Xong thì cũng hết hứng làm, vì hết người chú ý. Chúng ta đang sống trong một nền kinh tế lớn lên nhờ năng lượng chú ý – attention economy. Ai nhiều chú ý người đó lên. Nền tảng nào nhiều chú ý kẻ đó thắng. Cuộc đua tranh thủ sự chú ý của 7 tỷ người có sự tham gia của 7 tỷ người. Riết rồi quen. Hết được chú ý hết muốn làm.
Cuối cùng, một cá nhân khi lớn lên trong môi trường như thế, được nạp hiểu biết và năng lượng như thế, thì sẽ hình thành hệ niềm tin như thế – tư duy mỳ ăn liền. Với hệ niềm tin này, đương nhiên con người trở nên hời hợt, nhanh nhanh lướt lướt trên bề mặt, kiếm chác lẹ lẹ rồi bỏ chạy chứ không hề có một chút kiên nhẫn, kiên định trước khó khăn, thử thách, gian nan. Con người lại càng không có tư duy dài hạn, không quen xây dựng nền tảng, không quen gieo hạt, trồng cây mà chỉ lo kiếm cách chen lấn chộp lấy những cơ hội hái trái nhà người khác. Đứa nào làm làm. Bệnh thành tích là nhảy chồm chồm hớt lấy chút hào quang sân khấu. Vậy, thì dĩ nhiên là đâm ra lười biếng, không thích làm, không quen tự làm, và làm gì cũng không tới.
Chữa bệnh này rất gian nan, vì nó bắt người ta phải rũ bỏ hệ niềm tin cũ, xây dựng thói quen mới và phải cam kết rèn luyện hàng ngày. Có lẽ việc cần làm đầu tiên là nên học lại bài Quản trị bản thân, rồi rèn luyện thói quen quản trị bản thân trước. Xong bước này mới có thể tiếp tục xây thêm những viên gạch mới để cuối cùng có thể transform – chuyển hoá bản thân mình. Action – hành động là quan trọng. Bước đầu tiên cần làm ngay quyết định hành trình này có thành hay không. Thử đi nhé!
Nguồn: https://www.nguyenphivan.com/