Những công thức suy nghĩ
Chào các bạn,
Đa số mọi người nghĩ rằng họ biết suy nghĩ, vì đương nhiên là ai trong chúng ta cũng thấy là từ nhỏ đến lớn chúng ta được bố mẹ thầy cô và đủ mọi bosses dạy chúng ta cách suy nghĩ — điều gì đúng điều gì sai, điều gì nên làm điều gì không nên, cách tư duy và ứng xử đối với người khác, ứng xử thế nào đối với mỗi loại người khác nhau… Và đương nhiên là chúng ta cũng thấy càng khôn lớn chúng ta càng biết cách suy nghĩ, càng biết rõ đúng sai, càng hành sự chính xác.
Nhưng, những điều chúng ta gọi là suy nghĩ và học suy nghĩ đó thực sự có phải là suy nghĩ không? Hay đó chỉ là những công thức thuộc lòng về suy nghĩ và ứng xử – gặp người già thì gật đầu (khoanh tay) chào cụ/ông/bà; cãi lại người trên là sai; gặp cướp đánh cho nó gãy tay hết cướp là đúng… Dù là điều gì đi nữa, thì rất dễ cho chúng ta nhận rằng ta mỗi điều ta học là một công thức văn hóa về suy nghĩ và xử lý cho một trường hợp nhất định. Và hệ thống suy nghĩ của ta thực sự chỉ là một hệ thống vĩ đại cả hàng nghìn công thức tư duy và ứng xử cho cả nghìn trường hợp khác nhau.
Nếu bạn so sánh, đó thực sự chẳng khác gì con vẹt học thuộc lòng vài chục câu nói và nói cả ngày. Rất khó để nói đó là tư duy hay suy nghĩ. Mình không nói là những công thức văn hóa đó không có giá trị – chúng chính là một hệ thống giá trị văn hóa vĩ đại giúp cho mỗi người biết cách sống thoải mái trong nền văn hóa của họ. Mình chỉ nói rằng: Nếu ta nhìn vấn đề cặn kẻ một chút, thì ta sẽ thấy việc học và thực hành những công thức văn hóa đó không thực sự là suy nghĩ, mà chỉ là học thuộc lòng như vẹt.
Hiểu được như vậy thì chúng ta mới thực sự hiểu được tại sao nhà Phật nói mọi chúng sinh đều si mê (ngu dốt). Phải, con người thực sự si mê vì chúng ta có suy nghĩ gì đâu. Chỉ là ấn nút để “suy nghĩ” theo công thức như là những chiếc máy computer, không hơn không kém. Toàn hệ thống suy nghĩ đó thực sự chẳng là suy nghĩ, chẳng là trí tuệ gì cả, mà chỉ là học thuộc lòng.
Suy nghĩ thực sự là nhìn một vấn đề, và tìm hiểu vấn đề, dưới một góc cạnh do suy nghĩ mà ra, chẳng phải là một góc cạnh thuộc lòng. Ví dụ: Nhìn thấy hai em học sinh đánh nhau trước cổng trường, đừng vội định giá cách thuộc lòng: “Đám teen ngày nay thật là côn đồ và thiếu giáo dục, và hệ thống giáo dục chẳng biết cách xử lý vấn đề.” Và nhìn vấn đề với một con mắt mới, bỡ ngỡ, thắc mắc, tìm hiểu vấn đề: Tại sao hai em này đánh nhau? Lại là đánh nhau trước cổng trường? Tại sao chẳng ai can? Các học sinh khác và bạn bè của hai em ở đâu mà không can gián? Thầy cô đâu hết? Bảo vệ trường đâu hết? Tại sao hai em không thể giải quyết mâu thuẫn gì đó bằng lời nói mà phải đánh nhau? Hay là hai em không được dạy cách giải quyết mâu thuẫn bằng đối thoại? Các em có biết đánh nhau là sai không? Hay các em nghĩ rằng đánh nhau là việc của các anh hùng?
Nhìn vấn đề với con mắt bỡ ngỡ của một người chưa biết gì, và muốn tìm hiểu. Như thế, đó là suy nghĩ, vì mình chẳng dùng cái gì thuộc lòng để giải thích và giải quyết vấn đề cho mình. Hoàn toàn tìm hiểu từ đầu. Và cách đi tìm câu trả lời cho loạt câu hỏi của mình cũng cần được thực hành với một con mắt bỡ ngỡ tìm tòi như thế, chứ không trả lời bằng công thức có sẵn. Đó mới là suy nghĩ.
Tại sao suy nghĩ cách này là quan trọng?
Tại vì suy nghĩ cách công thức thuộc lòng là nguồn gốc của mọi tội lỗi. Ví dụ: Người Trung hay cãi. Người Nam lười biếng. Hồi giáo bạo động. Công giáo kiêu căng. Nhà nước toàn tham nhũng. Con gái không được cười lớn. Con gái phải đi đứng dịu dàng. Con trai phải mạnh mẽ. Con nhà giàu thường mất dạy. Con nhà nghèo hay ăn trộm… Các bạn có thể tiếp tục viết ra cả nghìn công thức văn hóa như thế, để có thể thấy được là mọi chia rẽ và áp bức của thế giới đều do các công thức văn hóa mà ra.
Chỉ có suy nghĩ thật sự, nhìn mỗi sự việc với một con mắt mới, và tìm hiểu sự việc như là một cái gì mình mới thấy lần đầu, như là nhìn một quái vật lần đầu, như thế mới thực sự là suy nghĩ. Và hy vọng là suy nghĩ như thế thì chúng ta có thể “thấy sự vật như nó là” (seeing a thing as it is), chứ không đơn giản là áp dụng công thức văn hóa để kết luân tức thì: “Thằng này côn đồ, thằng kia tử tế.”
Cuộc đời là những công thức, tôn giáo lại càng là chúa tể công thức. Cho nên chúng ta cũng cần tiếp cận những vấn đề tôn giáo với cùng cung cách – tìm hiểu với những loạt câu hỏi và cố gắng tự mình tìm câu trả lời mà không dùng công thức có sẵn của ai dạy.
Hơn nữa, tìm hiểu bằng các câu hỏi và câu trả lời một cách lý thuyết nhiều khi cũng chẳng xong, vì lý thuyết thường khác xa với thực tế. Thường thì ta phải thực hành thực tế mới hiểu được thực tế. Ví dụ: Muốn hiểu được những phàn nàn than thở của người mù, có lẽ chúng ta nên sống bịt mắt hoàn toàn kín, chẳng thấy được gì trong hai ba tuần liền, để hiểu được khá đầy đủ những khó khăn và nhu cầu của người mù. Hay, người ta hay nói về cầu nguyện, ta không thể giải thích hay lý luận gì về cầu nguyện, trừ khi ta đã thực hành cầu nguyện chân thành vài ba năm để thực sự biết cầu nguyện là gì.
Các bạn, nếu ta luôn suy nghĩ thật về mọi việc, mà không chỉ thuần túy áp dụng công thức văn hóa ta đã được đút cho ăn từ hồi còn bé, thì chúng ta sẽ thực sự là một người mới hoàn toàn, nhìn cuộc đời với con mắt chính xác hơn, trí tuệ hơn, công bình hơn, và nhân ái hơn.
Chúc các bạn luôn biết suy nghĩ,
Mến,
Hoành
© copyright 2021
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com