Những băn khoăn chưa trọn về người trẻ

 Những băn khoăn chưa trọn về người trẻ

Đáp sân bay thành phố Vinh chừng hơn 8 giờ sáng, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi ở xứ “non xanh nước biếc như tranh họa đồ” này là không khí nóng bức đến khó chịu, đỉnh điểm mùa nắng của dải đất dọc miền Trung. Dịp này, đến thăm Giáo phận Vinh, chúng tôi đã có cơ hội gặp gỡ và nghe được những câu chuyện thú vị. Chuyến đi chóng vánh nhưng để lại những cảm xúc và ấn tượng khó quên.

Nghệ An là vùng đất có lịch sử lâu đời, có truyền thống hiếu học, có nhiều dòng họ, nhiều làng học nổi tiếng, là cái nôi sản sinh cho đất nước nhiều danh tướng, nhà khoa học, nhà văn hoá lớn. Về địa lí, đây là một tỉnh có đầy đủ các kiểu địa hình núi cao, trung du, đồng bằng và ven biển. Dân cư ở đây đa số làm nghề nông, đánh cá và nghề thủ công. Tuy nhiên, khí hậu khắc nghiệt quanh năm đã khiến người dân không có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế.

Giáo phận Vinh (sau khi chia tách) nằm trọn trên địa bàn tỉnh Nghệ An với 13 giáo hạt, có số giáo dân chiếm hơn 9% dân số toàn tỉnh, gồm các sắc tộc như: Kinh, Thổ, Khơmú, H’mông, Thái, Ơ Đu… Hiện nay, vì thiếu công ăn việc làm, nên rất nhiều bạn trẻ trong Giáo phận đã phải rời quê hương để tìm việc làm. Đa số các bạn đều di cư đến học tập, làm việc, lập nghiệp và định cư ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, rất ít người trở về quê hương xứ sở. Một số khác tìm cách ra nước ngoài làm việc và sinh sống. Thực tế này đã gây ra nhiều bất lợi với đời sống đạo của người trẻ và dẫn đến không ít khó khăn cho công tác mục vụ giới trẻ.

Đến thăm giáo xứ Vạn Lộc (xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), một giáo xứ nằm ở lưng chừng núi, Cha Chánh xứ chia sẻ, các sinh hoạt chủ yếu tập trung vào việc chăm sóc đời sống đạo đức bình dân. Các lớp học giáo lý thường diễn ra vào buổi tối quanh năm, luôn có sự hướng dẫn của giáo lý viên và đồng hành của cha hoặc mẹ, đặc biệt trong các buổi thi giáo lý hoặc khảo kinh định kỳ. Những hoạt động khác trong giáo xứ cũng được duy trì hàng tuần, tuy nhiên, vì lượng người trẻ xa quê khá đông, nên vẫn chưa thật sự đầy sức sống và lan tỏa tích cực như mong đợi. Thanh thiếu niên thường thiếu sự chăm sóc toàn diện, mỗi gia đình thường vắng ba hoặc mẹ, đôi khi cả hai, vì họ đều đã rời quê đi tha phương cầu thực.

Chính vì thế, Cha chánh xứ cùng hội đồng mục vụ giáo xứ, các hội đoàn đều luôn cố gắng tạo mọi điều kiện thuận lợi, tạo không khí vui tươi, để mời gọi thiếu niên tới nhà thờ, thay vì để các bạn trẻ bị cuốn vào những thú vui khác.

Nhà thờ Chính tòa Giáo phận Vinh

MỘT LÒNG GIỮ VỮNG ĐỨC TIN

Tuy khó khăn về nhiều mặt, nhưng đa số giáo dân trong Giáo phận vẫn luôn giữ vững đức tin, yêu mến Giáo hội, cộng tác tích cực với các mục tử trong việc xây dựng Giáo phận. Chúng tôi được tham dự lễ kính Thánh Antôn Padova (13/6) tại Linh địa Trại Gáo (thuộc giáo xứ Trại Gáo, xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An), một trung tâm hành hương chính của GP Vinh. Hàng ngàn người dân khắp nơi, bao gồm cả Công giáo và lương dân, từ người lớn trẻ con, đến thanh niên nam nữ, đều tụ họp về đây để cầu nguyện, xin ơn, tạ ơn,… Có nhiều nhóm đã lũ lượt kéo về đây từ một vài ngày trước, đem theo thức ăn nước uống, ở lại để chờ ngày lễ.

Đây là một trong những dịp được xem như đại lễ của cả một vùng Bắc Trung Bộ. Quanh năm, nhiều người phương xa cũng tìm đến với thánh nhân mỗi khi gặp khó khăn, hoạn nạn, đau ốm. Vì những phép lạ được mắt thấy tai nghe, vì lòng yêu mến và biết ơn Thánh nhân, người dân xứ Nghệ luôn dành một niềm sùng kính đặc biệt cho Ngài.

Nhà thờ Vạn Lộc nhìn từ trên cao

 

THAO THỨC DÀNH CHO NGƯỜI TRẺ

Người trẻ từ Giáo phận Vinh nói riêng, cũng như những Giáo phận khác, khi đến các thành phố lớn lập nghiệp, vẫn thao thức về một nơi để nâng đỡ đời sống vật chất và chia sẻ đời sống đức tin. Rất nhiều nhóm sinh viên Công giáo xa quê đã ra đời tại các thành phố lớn, với sự đồng hành của các linh mục, tu sĩ, hoặc đôi khi chỉ là những bạn trẻ tự quy tụ và lên chương trình sinh hoạt. Điều này cho thấy, nhu cầu được quan tâm, chăm lo và thăng tiến của người trẻ là một trong những vấn đề cần thiết để giúp họ trưởng thành một cách toàn diện. Các hoạt động mục vụ dành cho người trẻ xa quê dần được chú ý hơn, thông qua những buổi họp mặt đồng hương, đại hội di dân và các chương trình khác.

Chính những người trẻ đã tạo nên cuộc sống tươi trẻ của họ, dưới sự giúp đỡ của những người hướng dẫn. Gặp gỡ Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Viên, Giám mục phụ tá GP Vinh, đồng thời cũng là Chủ tịch Ủy ban Mục vụ Giới trẻ và Thiếu nhi, chúng tôi cảm nhận được phần nào những trăn trở của Ngài dành cho người trẻ. Đặc biệt, trong 3 năm mục vụ hướng đến người trẻ (2020 – 2022), các linh mục đặc trách giới trẻ luôn tìm nhiều cách thức trẻ trung, sinh động để đồng hành cùng người trẻ.

Kết thúc chuyến đi, chúng tôi trở về Tòa Giám mục GP Vinh khi cơn mưa chiều vừa tạnh. Hai bên đường, những ruộng dưa hấu vừa thu hoạch, lá đang khô dần và trơ trụi gốc. Nông dân đẩy những xe dưa hấu nằm trải dài ngay trên bờ ruộng. Tôi không chắc vụ mùa có bội thu hay không, nhưng có vẻ như, không khí làm việc của họ không nhộn nhịp lắm. Chỉ là những chiếc xe (gần như xe ba gác) đặt lăn lóc những quả dưa hấu hái tận vườn, đang trông chờ thương lái đến thu mua hoặc bán lẻ cho người đi đường.

Có cả những cánh đồng sen trải dài, những ruộng lúa mới cấy thấp thoáng lá mạ non. Thi thoảng có vài mảnh ruộng chưa kịp cấy, còn đang đốt đồng, khói tỏa lên quyện vào không khí còn đẫm hơi nước, tạo nên một khung cảnh mờ ảo. Trên những con đường dài tít tắp, lòng tôi miên man những suy nghĩ về quá khứ, hiện tại, về vùng đất “địa linh nhân kiệt”, về những người trẻ xa xứ, những người con cùng ca câu hò ví dặm, cùng uống chung dòng nước sông Lam, và về những thao thức của họ cho tương lai.

 

Một góc Nghệ An
Linh địa Trại Gáo (Đền thờ thánh Antôn)
Linh địa Trại Gáo trong một dịp lễ lớn với sự tham dự của vài chục ngàn khách hành hương
Trích từ Bản tin online
Đọc bản tin đầy đủ tại: https://ymagazine.net/vn
Bài viết: Nguyên Nhi
Hình ảnh: Ban Biên tập + sưu tầm
Trình bày: Ban Biên tập