Học nghề gì? Làm nghề gì?

 Học nghề gì? Làm nghề gì?

Làm sao để chọn đúng nghề mình thích,
đúng khả năng của mình?
Hoàng Thị Ngọc Anh, tốt nghiệp Quản trị Du
Lịch và Công nghệ Giải trí, FH IMC Krems, Huế

Em cũng như các bạn bị khủng hoảng,
hoang mang khi chọn nghề. Chúng em
không biết mình muốn gì. Hơn nữa ngoài
một số ngành nghề phổ biến như giáo viên,
bác sĩ thì chúng em không biết gì về các
ngành nghề khác.
Phạm Thị Minh Thủy, PTTH Phan Châu Trinh, Đà Nẵng

Nghề em thích thu nhập thấp, làm vất vả. Nghề
em không thích có thu nhập cao, địa vị cao. Em phải làm sao?
PhạmThu Hương, tác giả, dịch giả, admin dotchuoinon.com, Đà Nẵng

 

Bắt đầu vào ngưỡng cửa đại học chúng ta hỏi “Học nghề gì?” Ra trường rồi, đôi khi ta đã đi làm nhiều năm với đủ thứ nghề rồi, vẫn không cảm thấy thích nghề mình đang làm, và lại hỏi “Làm nghề gì?”

Câu hỏi này, thực ra phức tạp hơn người ta nghĩ, vì có nhiều lý do ta không biết phải học gì, làm gì.

Đôi khi ta thực sự không biết làm nghề gì thì ta sẽ vui.

Đôi khi ta tưởng ta biết ta thích nghề gì, làm một lúc lại không thấy thích.

Đôi khi nghề ta thích không mang lại đủ lợi tức để giải quyết các nhu cầu hàng ngày của ta, nghề ta không thích nhưng có thể làm thì lại mang về nhiều lợi tức. Thông thường thì hai lực đối chỏi nhau—ý thích và nhu cầu tài chính—làm ta chẳng biết đường nào mà chọn.

Đôi khi ta thiếu thông tin về nhu cầu thị trường và các dự đoán kinh tế tương lai để có thể biết nên chọn ngành gì.

Đôi khi ta cảm thấy ta chẳng thích một nghề gì trên đời cả.

Vấn đề này không chỉ là một vấn đề suy tư luận lý cho câu hỏi “Tôi nên chọn nghề gì?” mà còn có thể là một hiện tượng tâm lý “Tôi chẳng thiết tha gì với nghề nào trên đời cả”. Cho nên chẳng dễ để có câu trả lời. Hơn nữa, mỗi người có hoàn cảnh, tư duy và ý thích riêng, cho nên mỗi người sẽ có cách trả lời cho riêng mình, chẳng ai có thể trả lời dùm bạn.

Nhưng có lẽ ý tưởng ta chọn được một nghề hợp ý ngay từ đầu rồi sống vui vẻ với nó cả đời là một ý niệm càng ngày càng ít xảy ra, vì cơ hội lựa chọn và thay đổi càng ngày càng nhiều. Ngày xưa, có lẽ chỉ có hai nghề để chọn cho học trò: cố gắng học để đậu cao làm quan, không đậu cao thì làm thầy đồ. Ngày nay có đủ thứ nghề để làm, lại có thể đổi nghề thường xuyên, cho nên làm kỹ sư một thời gian ta có thể đổi nghề làm tiếp thị máy vi tính để có dịp nói chuyện với nhiều người, lại có thể có lợi tức bằng 10 lần kỹ sư nếu tiếp thị thành công.

Vì thế nếu các bạn không biết chọn nghề nào để học hay để làm lúc này cũng chưa hẳn là một vấn đề lớn. Nhưng đương nhiên là các bạn cần lựa chọn ngay để tìm trường học, hoặc để tìm việc. Vậy thì chúng ta hãy tạm dùng một số các yếu tố thực tiễn để lựa chọn lúc này, rồi nàng tiên “định mệnh” có thể tìm gặp mình sau này cũng được.

– Học môn nào mà mình giỏi. Ví dụ: Nếu mình giỏi toán thì học các môn về toán, vật lý, kỹ thuật, và ngay cả y học, đều tốt.

– Chọn môn học có thể cho mình nhiều khả năng thay đổi sau này. Như là luật—người học luật có thể làm rất nhiều nghề ngoài ngành luật, từ công an và điều tra viên, đến tiếp thị, quản lý thương mãi; học quản trị kinh doanh (MBA) có thể làm hầu hết mọi việc trong kinh doanh; học nghiệp vụ xã hội (social works) có thể làm đủ thứ việc từ nhân viên xã hội (social worker) đến phát triển cộng đồng (community development); học hóa học có thể làm mọi việc liên hệ đến hóa học sau này (thực phẩm, thuốc men, và hầu như tất cả mọi kỹ nghệ khác của con người); học làm thầy (sư phạm) thì sau này nếu không muốn dạy trẻ em cũng có thể ra ngoài dạy đủ mọi loại lớp học dành cho người lớn, hoặc tiếp thị đủ mọi loại sản phẩm (vì tiếp thị là dạy người mua về sản phẩm)…

– Chọn môn học thích hợp với đà phát triển kinh tế. Vi tính, vì vi tính sẽ còn phát triển mạnh khoảng 100 năm nữa; xây dựng và địa ốc, vì Việt Nam sẽ tiếp tục đô thị hóa mạnh mẽ trong vòng 50 năm nữa; phát triển nông thôn, vì nông nghiệp Việt Nam sẽ thay đổi dữ dội trong vòng 50 năm nữa; sinh học, vì kỹ thuật sinh học (bio engineering) thế giới sẽ phát triển mạnh mẽ trong 50 năm nữa; tiếng Anh, vì tiếng Anh càng ngày càng mạnh trên thế giới và bạn có thể học đủ nghề nếu giỏi tiếng Anh; tâm lý học, vì đời sống thay đổi quá nhanh tạo ra nhiều stress và cần nhiều tâm lý gia…

– Đương nhiên là những môn học liên hệ đến chăm sóc cơ thể và đầu óc con người thì luôn cần trong mọi thời đại: y học (các ngành bác sĩ đông tây, nha sĩ…), kỹ nghệ chế biến thực phẩm, giáo viên…

– Nếu bạn có thể làm một nghề có nhiều tiền, thì hãy chọn nghề bạn có thể có nhiều tiền, khi có đủ tiền rồi tính cách chuyển sang nghề khác cũng không muộn. Hoặc kiếm cơm bằng nghề nhiều tiền (như bác sĩ), và làm việc mình thích (ví dụ chơi nhạc) như là một “nghề” giải trí (hobby).

– Chọn môn bạn ít ghét nhất. Nếu không chọn được môn bạn thích nhất thì chọn môn bạn ít ghét nhất.

Đại khái là như thế. Nhưng điểm chính chúng ta cần quan tâm là “đời là một dòng sông thay đổi vô cùng”, cho nên đời sống của mỗi người chúng ta sẽ có nhiều thay đổi. Bây giờ ta đang học hay làm một nghề nào đó, nhưng vài năm nữa ta có thể sẽ muốn thay đổi và làm nghề khác. Điều quan trọng là:

– Chúng ta sẵn sàng thay đổi khi cơ hội đến. Nếu ta đang làm bác sĩ, mà cơ hội kinh doanh sản phẩm y tế đến, và ta thích kinh doanh, thì ta sẵn sàng để chuyển nghề.

– Ta có những kỹ năng quan trọng để có thể mở rộng các cánh cửa cơ hội: thành thật và đáng tin cậy, communication, tiếng Anh…

– Và dù làm nghề gì, thì hãy nghĩ đến ta ít, và nghĩ đến cộng đồng của ta nhiều—thành phố của ta, đồng bào của ta, đất nước của ta. Chính lý tưởng phục vụ cộng đồng này mới là liều thuốc thúc đẩy ta tiến bước mỗi ngày, dù đó là nghề gì.

Chúc các bạn một ngày tiến bước.

Mến,

Hoành

© copyright 2012
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com