Chuyện minh họa Tin Mừng ĐÓN XUÂN MỚI – dâng những tâm tình TẠ ƠN

 Chuyện minh họa Tin Mừng ĐÓN XUÂN MỚI – dâng những tâm tình TẠ ƠN

Sau khi nghe đọc bản báo cáo tài chánh của xã trong năm qua, ông Chủ Tịch Hội Đồng Xã trẻ tuổi, với lấy cuốn sổ kế toán để xem xét. Ông ta rất đỗi ngạc nhiên, khi thấy ngân sách của xã trong năm qua, đã phải chi một số tiền lương đáng kề cho một người, với cái nghề rất là phi lý, đó là “người giữ ngọn suối”.

Ông ta hỏi:

– Có ai trong Hội Đồng Xã biết việc này là gì không?

Một người đứng lên trả lời :

– Có, tôi biết.

– Vậy, kính xin cụ vui lòng cho tôi biết bổn phận của “người giữ ngọn suối” của xã mình. Họ làm những gì, đề mình phải chi lương hàng tháng như vậy ?

– Thì có gì đâu, thưa ông Chủ Tịch Hội Đồng. Ngày ngày có một ông cụ già “giữ ngọn suối”, có bổn phận cào lá khô, cành củi gãy, phân nai, hay xác súc vật chết, nói chung là loại bỏ tất cả những gì là dơ bẩn ra khỏi ngọn suối. Chỉ thế thôi.

– Thế mà chúng ta cũng phải trả lương cho ông cụ già, vì những công việc này à!

– Đúng vậy, thưa ông Chủ Tịch.

– Với ngân sách eo hẹp của xã năm nay, và theo đề nghị cắt giảm bớt những chi tiêu của Hội Đồng, nay tôi quyết định cắt bỏ cái nghề lạ đời này.

Thế là ông cụ già “người giữ ngọn suối” bị sa thải. Ông cụ vui vẻ thu xếp khăn gói, xuống núi, trở về lại với ngôi làng xưa, vui sống bên  đàn con cháu.

*****

Nhưng, cũng từ đó, giòng suối chảy vào làng bắt đầu thay đổi. Những lá vàng úa theo giòng trôi nối đuôi nhau kéo về thôn xóm. Mới đầu, chỉ vài ba chiếc lá, nhưng dần dần từng đống, từng đống lá úa trôi về nghẹt cả con suối nhỏ, tấp đầy bờ hồ, cái hồ “Thiên Nga Thơ Mộng”, điểm đến của bao du khách xưa nay, nguồn kinh tế lớn nhất của vùng.

Con suối trong vắt ngày xưa, là cả nguồn cảm hứng cho bao thi sĩ, nhạc sĩ, hoạ sĩ, nay đã ngã sang màu nâu. Từng đoàn thiên nga xưa kia nhởn nhơ đùa giỡn trong giòng nước mát trong lành, hay soi mình trên mặt hồ trong xanh, cảnh đẹp thu hút bao du khách đến thăm xã này, nay cũng giã từ con suối nâu, bờ hồ đục, mà lặng lẽ rủ nhau đi, không hẹn ngày trở lại.

Rồi cũng vì du khách vắng dần, nên nguồn thu nhập của xã cũng cạn luôn.

Trước cảnh ngân sách bị thâm thủng, ông Chủ Tịch trẻ tuổi của Hội Đồng Xã vội vã chạy tìm cho ra “người giữ ngọn suối”xưa kia và tha thiết năn nỉ, nài van ông ta trở lại với cái nghề lạ đời, cái nghề âm thầm, cái nghề, ở mãi tận trên đầu nguồn suối!

“Người giữ ngọn suối” không tự ái, và cũng vì nhắm đến lợi ích chung, nên ông đã vui vẻ nhận lời. Ông ta lại khăn gói trở về lại căn chòi xưa, tận trên ngọn nguồn con suối nhỏ, ngày ngày âm thầm giữ cho mạch suối được sạch trong và tinh tuyền.

Rồi giòng suối lại trong.
Bờ hồ lại sạch.
Thiên nga bay về!
Du khách trở lại.

Cuộc sống của “Vùng Thiên Nga Mới” bỗng nổi danh trở lại, với giòng chữ “Neuschwanstein” – Làng Thiên Nga Mới!

*****

Bạn thân mến,

1- Ơn gọi làm “người giữ ngọn suối” sao cho tinh tuyền, Chúa đã trao ban cho ông bà và cha mẹ già của chúng ta. Chính các ngài đang âm thầm làm cái nghề “lạ đời” ấy. Cái nghề ấy “lạ đời”, vì hình như chúng ta, phận làm con cháu, cũng giống như ông chủ tịch mới, trẻ kia, không biết quý trọng và không biết TẠ ƠN.

2- Một vài người trong chúng ta khi đi du lịch nước ngoài, hoặc đi nhập cư tại các nước Âu-Mỹ, … cũng đã mong hội nhập thật mau vào xã hội Âu Mỹ, hay cố tình rước những thứ “văn hóa lai căng” về Việt Nam… , hoặc lao đầu theo kinh tế thị trường, mà xem thường những người không còn khả năng lao động sản xuất, hoặc xem nhẹ cái nghề “giữ ngọn suối” văn hóa Việt Nam của ông bà cha mẹ già.

Và coi chừng, chúng ta cũng quên bẵng luôn cái bổn phận làm “người giữ ngọn suối” của chúng ta, đến khi chính con cái của mình đã bị “Tây Mỹ hóa” đến mức quá đà, .. mình mới đâm hoảng, thì đã quá muộn.

3- Bên cạnh cái nghề “giữ ngọn suối” văn hóa, còn có cái nghề “giữ ngọn suối” đạo đức nữa.

TẠ ƠN CHÚA đã thương ban cho các giáo đoàn Việt Nam ở hải ngoại, và các giáo xứ tại Việt Nam, vẫn còn tiếp tục có những lớp Giáo Lý, và các khóa đào tạo những giáo lý viên, trẻ có, lớn tuổi có, những người đang âm thầm hy sinh làm việc “giữ ngọn suối” đạo lý cho tinh tuyền, cho trong sáng.

Chính họ là
– những người “yêu Chúa”,
– những người “yêu của Chúa” (THEOPHILE),
– những “chứng nhân” của Tin Mừng,
– những kẻ “phục vụ Lời” (Lu-ca 1: 1-2),
– những người đang âm thầm “chuyền trao lại những gì họ đã học nơi Đức Chúa Giê-su” cho giới trẻ, cho hậu thế, sao cho thật tinh tuyền, sao cho thật trong sáng (1 Cô-rin-tô 11:23).

*****
Nhân những ngày sắp kết thúc năm cũ, để bước sang năm mới, chúng ta cùng nhau dâng lời:

TẠ ƠN CHÚA đã ban cho chúng ta có ông, có bà!
TẠ ƠN CHÚA đã ban cho chúng ta có cha, có mẹ!
TẠ ƠN CHÚA đã ban cho chúng ta những thầy cô, những “giáo lý viên”!, những linh mục tu sĩ,
TẠ ƠN CHÚA đã ban cho chúng ta những vị này, những người đang âm thầm hy sinh “giữ ngọn suối” văn hóa Việt Nam và giáo lý của Chúa Ki-tô  sao cho thật tinh tuyền, sao cho thật trong sáng.

———————————————————-
*** Ghi nhanh theo bài nói chuyện của
Frère Fortunat Phong, FSC

Nguồn: https://linhmucmen.com/