Synodality – Một thuật ngữ, một hành trình
Synodality là thuật ngữ đang được Giáo hội tập trung sử dụng để nói lên sự đồng hành giữa Giáo hội với người trẻ, và giữa người trẻ với nhau. Đây là một thuật ngữ có lịch sử lâu đời. Vậy ý nghĩa của nó là gì? Cùng tìm hiểu qua bài viết khảo sát của bạn Tâm Anh đến từ Tổng Giáo phận Sài Gòn TPHCM.
Từ ngày 18 đến ngày 21/11 vừa qua, các lãnh đạo Mục vụ Giới trẻ từ các Hội đồng Giám mục, các phong trào giới trẻ Công giáo và hiệp hội Giới trẻ Công giáo Quốc tế trên toàn thế giới đang tham gia vào cuộc họp Trực tuyến “From Panama to Lisbon – Called to Missionary Synodality”. Các phiên họp được tổ chức nhằm nêu phản hồi về Đại hội Giới trẻ Thế giới (ĐHGTTG) lần thứ 34 (năm 2019 ở Panama) và chuẩn bị cho ĐHGTTG sắp tới sẽ diễn ra tại Lisbon. Trong suốt kỳ họp, nhiều diễn giả nhắc đi nhắc lại thuật ngữ “synodality”. Song, khi tra cứu trong các văn bản chính thức, tôi lại thấy mọi văn bản lại có cách dịch nghĩa khác biệt.
Trong phạm vi bài viết này, tôi không định đưa ra thêm một định nghĩa (hay một cách Việt hóa) nào khác. Thay vào đó, tôi sẽ thử khảo sát sự khu biệt về nghĩa của các cách dịch này. Với nỗ lực ấy, tôi mong muốn trong tương lai, chúng ta sẽ có một cách tiếp cận thuật ngữ synodality chính xác và rõ ràng hơn. Còn bây giờ, đó sẽ là một hành trình tìm kiếm sứ mạng đương đại của Giáo hội, nhất là trong lĩnh vực Mục vụ Giới trẻ.
Đầu tiên, bàn về từ nguyên của synodality, đây là danh từ suy phát từ từ synod (tức là công nghị). Có thể nói, synod vốn đã là một từ cổ xưa của Giáo hội. Hay nói theo cách nói hằng ngày, synod là một từ “nhà đạo”. Synod tiên khởi là thuật ngữ dùng để chỉ việc các Tông đồ được triệu tập lại với nhau trở thành một cộng đồng. Nếu xét đến từ nguyên Hi Lạp, synod bao gồm hai từ, giới từ “với” và danh từ “nẻo đường”. Như vậy, một cách sâu xa, synod chỉ con đường mà Dân Thiên Chúa cùng nhau tiến bước. Và sau này, thời Thánh Gioan Chrysostom, công nghị được dùng với nghĩa Giáo hội, khi Ngài cho rằng Giáo hội cũng là cách nói khác cho việc cùng đi với nhau.
Trong bài viết này, tôi sẽ so sánh các bản dịch Tông huấn Christus Vivit từ nhiều nguồn khác nhau. Đặc biệt là câu số 206, câu có chứa thuật ngữ chìa khóa của chúng ta.
Trước nhất, ta nhất định phải đề cập cách dịch của Hội đồng Giám mục Việt Nam : “Mục vụ Giới trẻ phải mang tính “hiệp hành” (synodale)”. Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm trong một lần phỏng vấn đã lí giải như sau: “Ý nghĩa căn bản của synod và synodality là do hai từ Hi Lạp, có nghĩa là cùng chung đường đi (marcher ensemble, walking together). Dịch là “hiệp hành” để diễn tả ý nghĩa đó, và dùng từ đó cho mục vụ giới trẻ, có nghĩa là mọi thành phần dân Chúa (gia đình, giáo xứ, linh mục, tu sĩ, giáo dân) đều tham gia vào công việc mục vụ này, chứ không chỉ riêng một vài người trực tiếp làm việc. ” Như vậy, với cách lí giải này, hiệp hành đơn thuần là cùng nhau làm một điều gì đó, cụ thể là Mục vụ Giới trẻ. Đó không phải là bổn phận của một hay vài vị giáo sĩ nhưng là sự chung tay của toàn thể dân Chúa.
Nhưng nếu chiết tự, ta thấy ở đây có hai từ: “hiệp” và “hành”. “Hiệp” là hòa hợp, là cùng, như trong “đồng tâm hiệp lực” . “Hành” là bước đi, ra đi. Như vậy, nếu hiểu theo nghĩa này, HĐGMVN đã dịch sát nghĩa từ synodale là một hành trình cùng nhau, một “hành trình chung”. Song, các dịch như vậy dẫu có đúng nghĩa thật nhưng dường như đã thu hẹp ngoại diên của khái niệm này. Nếu chỉ xét đó là hành trình chung, ta khó mà hình dung được đây là hành trình gì và điểm đến ra sao. Cái hay của cách dịch này là gợi nên được sự chuyển động của synodale. Đó không phải là một thể chế cứng nhắc và bất động. Synodality có thể liên tưởng là một quá trình, một thực hành mang tính “động” hơn là đứng yên. Nhưng, khi chuyển ngữ như vậy, có thể nói đây là một nỗ lực không nhỏ để khắc phục “khoảng trống từ vựng” khi dịch từ hệ thống ngôn ngữ này sang hệ thống khác, nhất là đó lại là một tử ngữ (Latin). Ngoài ra, khi chiết tự như vậy, nghĩa của từ hẳn sẽ không chính xác vì Hán Việt có hiện tượng đồng âm, cũng là âm “hành” nhưng có tới 7 chữ khác nhau. Nhưng khi đặt vào văn cảnh, đặc biệt ở vế sau, HĐGMVN có nói thêm là một “hành trình chung” thì nghĩa như vậy mới thực sự sát đáng rồi.
Thứ hai, trong bản dịch Christus Vivit của Lm. Lê Công Đức, PSS , Ngài đã dịch câu 206 như sau: “Mục vụ Giới trẻ phải có tính liên hợp.” Như vậy ở cách hiểu này, Ngài đã dịch thoát nghĩa khá rõ. Ta không nhìn thấy nét nghĩa “đi cùng” hay là một “hành trình”. Nhưng chỉ còn là một từ thể hiện sự đồng thời và gắn kết chặt chẽ. Khi dịch như vậy, liên hợp gợi ra điều gì đó khá khuôn mẫu, và liên hợp cũng mang sắc thái “tĩnh”, không có sự chuyển động đằng sau nó. “Liên hợp” cũng gợi ra cảm tưởng đó là sự gắn kết các thành phần vốn riêng lẻ. Thật vậy, Đại hội Giới trẻ hằng năm chứng minh tính liên hợp là có thật, những bạn trẻ từ nhiều nền văn hóa, quốc gia và ngôn ngữ đã quy tụ với nhau và cùng nhau nên một. Nếu hiểu theo nghĩa đó, liên hợp dẫu không biểu thị được hết nét nghĩa của synodale hay synodality nhưng lại thể hiện được cách hiểu và nỗ lực của Giáo hội trong việc liên kết những bạn trẻ trên thế giới.
Cuối cùng, trong bản dịch Christus Vivit của Ủy ban Mục vụ Giới trẻ và Thiếu nhi – trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, nhóm tác giả đã khẳng định: “Mục vụ Giới trẻ phải mang tính nhất quán.” Cách dịch này cũng tương tự cách dịch của Lm. Lê Công Đức ở chỗ không còn giữ nét nghĩa là một hành trình chung. Nhất quán thể hiện sự thống nhất từ đầu đến cuối, trước sau không trái ngược nhau. Nhưng khi hiểu như vậy, ta không nhìn thấy rõ tính đối thoại của synodality. Khi từ gốc là synod, chính trong nội tại ngôn từ, ta đã nhận thấy có sự trao đổi và đối thoại của một hội đồng, một công nghị. Ngoài ra, nếu xét ra thêm nhiều bản dịch khác, ta sẽ thấy các cách dịch phổ biến như đồng nghị (nhấn mạnh đến bản chất trao đổi, đối thoại),… hay một số thuật ngữ khác phát sinh như Giáo hội Hiệp hành (Sydonal Church), con đường hiệp hành (Sydonal path), ….
Tóm lại, dịch thuật không bao giờ có thể mang lại sự trọn nghĩa và toàn hảo. Thậm chí, ngay cả những bản dịch cùng một ngôn ngữ với nhau cũng đã gợi nên sự khác biệt to lớn. Chờ một cách dịch mới và chính thức là điều nên làm. Nhưng quan trọng hơn, qua từng cách dịch và cách hiểu, ta sẽ từ từ họa ra bức chân dung về cái gọi là synodality. Chính vì lẽ đó, thuật ngữ này hẳn sẽ gợi ra một hành trình. Synodality không có gì trổi vượt hay siêu việt hơn các thuật ngữ nhà đạo khác. Điểm làm cho thuật ngữ này khó hiểu chính vì nó vẫn còn trong giai đoạn “phôi thai”, vẫn còn nhiều hình dung và đường lối, cũng như việc ứng dụng và sử dụng nó. Trong nỗ lực mang lại một cách hiểu chính xác và hợp lý, synodality sẽ là cầu nối hai Thượng Hội đồng XV và XVI, là hành trình tìm gặp sứ mạng Giáo hội ngày hôm nay và cũng là câu hỏi đặt ra cho những ai trăn trở về Mục vụ Giới trẻ.
Bài viết : Tâm Anh
Hình ảnh : Thánh bộ Giáo dân, Gia đình, và Sự sống
Thiết kế : Nguyễn Linh
Nguồn: https://ymagazine.net/