7 cách rèn luyện tư duy phản biện

 7 cách rèn luyện tư duy phản biện

Mình viết rất nhiều về tư duy phản biện, từ nhiều góc nhìn khác nhau, vì tư duy phản biện luôn nằm trong top 3 những kỹ năng sống còn, sinh tồn, quan trọng nhất mọi thời đại, và đặc biệt lại là quan trọng bậc nhất trong thời đại loạn thông tin như hiện nay. Người không có tư duy phản biện sẽ bơi trong biển thông tin không biết phải tin vào đâu, sử dụng được thông tin nào, và vì vậy không có khả năng suy nghĩ và đưa ra chính kiến hay giải pháp phù hợp. Bên cạnh đó, sự tràn ngập của fake news sẽ khiến cho người không có tư duy phản biện bị dẫn dắt sai lệch, suy nghĩ sai lệnh và vì vậy đưa ra những luận điểm luận cứ sai lệch. Trong thế kỷ 21 này, nhiều chưa chắc đã là tốt. Thông tin có căn cứ và tin được quan trọng hơn gấp vạn lần. Cũng vì vậy, nếu muốn đi làm, kinh doanh, hội nhập vào tương lai thành công, không thể thiếu tư duy phản biện.

Tuy nhiên, tư duy phản biện là là thứ cần rất nhiều sự rèn luyện liên tục và kiên nhẫn. Kỹ năng này không thể tự động mà có hay học 1 khoá mà thành. Hôm nay đọc được bài rèn luyện tư duy phản biện rất hay trên báo Inc., mình trích lại để các bạn tham khảo và rèn luyện nhé.

Express yourself in multi medium – Trình bày suy nghĩ, ý tưởng của mình bằng nhiều phương tiện khác nhau

Con người chúng ta có nhiều cách tiếp nhận thông tin khác nhau. Có người thì thích xem hình ảnh, video. Có người thì thích nghe, thích đọc, thích đụng tay chạm chân vào mới học được. Do đó, cũng là 1 nội dung, bạn nên rèn luyện cách trình bày, thể hiện nội dung đó bằng nhiều cách khác nhau. Ví dụ cũng là đề tài Kỹ năng nói chuyện trước công chúng, nhưng Phi Vân tạo ra bài viết trên blog cho bạn đọc, podcast cho bạn nghe, và khoá học có hình ảnh và video cho bạn thích hình ảnh và video. Khi ta thể hiện, trình bày cùng một nội dung bằng nhiều hình thức khác nhau, ta sẽ phải suy nghĩ bằng những góc nhìn khác nhau. Đôi khi, chính việc đứng từ nhiều góc nhìn khác nhau của đọc giả, khán giả, bạn sẽ vỡ ra những cách tiếp cận khác nhau. Việc hiểu và liên kết được nhiều góc nhìn khác nhau cho một chủ đề là một cách rất hay để rèn luyện tư duy phản biện.

Talk to a 6-year-old – Trò chuyện với trẻ 6 tuổi

Einstein đã từng nói, nếu bạn không giải thích được cho đứa trẻ 6 tuổi hiểu thì bạn thật ra không hiểu gì về điều bạn đang nói. Người không hiểu nói năng phức tạp, dùng từ trừu tượng, hoa mỹ, thùng rỗng kêu to. Khi họ nói nghe rất hay, vĩ đại, đầy tri thức, thông tuệ. Lúc nghe lôi cuốn và thấy rất tuyệt vời dù không hiểu vì sao. Và nghe xong cũng không hiểu họ nói gì, không biết phải làm sao tiếp theo hay bắt đầu thế nào. Nghe quen không? Đó là thói quen của rất nhiều những người làm chức lớn nhưng không hiểu rõ, hiểu đủ về vấn đề họ đang nói. Cho nên, họ né tránh bằng cách nói chung chung, nói quá trời mà không nói gì. Nếu bạn có tư duy phản biện, bạn sẽ nhìn rõ những nội dung kiểu này. Và điều bạn cần làm là ngược lại, nghĩa là rèn luyện cách trình bày, thể hiện thật là đơn giản, dễ hiểu, obvious – kiểu rõ ràng như ban ngày đến nỗi người nghe phải thốt lên, “Ủa trời ơi, đơn giản vậy mà đó giờ tui hổng nghĩ ra.”

Understand and challenge your biases – Hiểu và thử thách chính thành kiến của bạn

Ai trong chúng ta cũng mang theo bên mình Cognitive biases – thiên kiến nhận thức. Cognitive bias là những khuynh hướng thiên vị trong tư duy khiến con người thiên về một chiều hướng nào đó trong cách suy nghĩ của họ một cách vô thức và mặc định (default), và thường dẫn tới những lệch lạc và sai lầm trong tư duy. Ví dụ, mình hay dễ tin, dễ xác nhận tính chính xác của những thông tin có chiều hướng đồng thuận với những gì mình suy nghĩ, và ngược lại hay có chiều hướng soi xét, phản ứng với những thông tin đi ngược lại những gì mình đang tin vào. Ví dụ, nếu bạn đã chọn tin thiên phận của phụ nữ là ở nhà chăm sóc chồng con và vun vén gia đình, bạn sẽ rất khó tiếp nhận những chiều thông tin khác đi, ví dụ như phụ nữ nên đi làm, nên theo đuổi sự nghiệp, hay nên theo đuổi giấc mơ hạnh phúc của riêng họ. Thường thì, những “bias – thiên kiến” này đã được nhồi nhét vào tâm trí bạn từ nhỏ bằng lời dạy của xã hội hoặc môi trường, hoàn cảnh sống của bạn. Nó chính là vật cản lớn nhất để bạn mở não mở lòng, để cho đầu óc open đón nhận những góc nhìn mới, những thông tin mới, những cách tiếp cận mới. mà không tiếp nhận thông tin đa chiều thì làm sao mà có tư duy phản biện? Cho nên, khi bạn quan sát thấy mình có định kiến, thử challenge – chơi trò thử thách chính những định kiến của mình. Bằng cách này, bạn có thể rèn luyện tư duy phản biện.

Work backward – Nhìn vấn đề theo qui trình ngược

Lâu lâu, bạn thử một cách nhìn nhận vấn đề khác đi. Ví dụ, thường thì người ta đi từ Problem – vấn đề tới Solution – giải pháp. Giờ bạn thử chọn 1 giải pháp bạn vừa đưa ra và làm ngược lại, nghĩa là từ giải pháp bạn rà ngược trở lại phần xác định vấn đề xem. Cách nhìn này rất thú vị vì nó khiến bạn nhìn thấy những lổ hổng, những cách suy nghĩ có thể chưa thoả đáng, hay vài sự vội vàng đưa ra giải pháp do định kiến chẳng hạn. Tôi đôi khi đọc lại bài mình viết ngược lại từ dưới lên trên, hay đôi khi xem phim ngược lại từ tập cuối về tập đầu tiên để nhìn logic xây dựng kịch bản của phim, vv. Cách rèn luyện này khiến tư duy ta đổi góc và nhìn vấn đề rõ hơn, tươi mới hơn, lạ hơn. Đó là một cách để rèn luyện tư duy phản biện.

Ask other people to explain their thought process – Lắng nghe người khác giải thích cách tư duy vấn đề của họ

Người có chính kiến mạnh, rõ ràng, đều có cách tư duy vấn đề rất logic. Không ai “em nghĩ, em cho là” dựa trên zero bằng chứng và luận cứ hết bạn à. Cho nên nếu bạn đang “em cho là” không dựa trên thông tin dữ liệu gì nghĩa là bạn đang không có tư duy phản biện. Một trong những cách rèn luyện rất hay là đặt câu hỏi, lắng nghe, và tìm hiểu cách tư duy vấn đề của người khác. Cùng một vấn đề, bạn hỏi 10 người khác nhau sẽ tìm thấy 10 cách tư duy vấn đề khác nhau. Điều này khiến bạn mở mang đầu óc hơn, tiếng Anh hay nói là understand where they are coming from – hiểu cách đặt vấn đề của họ đến từ đâu, nghĩa là họ dựa trên những căn cứ luận cứ gì để mà suy nghĩ ra như thế. Cách này tôi thường xuyên rèn luyện trong tất cả mọi vấn đề và rèn luyện cùng với kỹ năng lắng nghe không phán xét. Hãy rèn luyện tư duy phản biện bằng cách này mỗi ngày, trong mọi vấn đề mà bạn cần giải quyết. Nó sẽ giúp bạn phát triển tư duy phản biện nhanh chóng và hiệu quả.

Expose yourself to new content & new creators – Tiếp cận nhiều nội dung và người sản xuất nội dung khác nhau

Sở dĩ tôi đọc rất nhiều, và cùng một vấn đề có thể đọc hết tất cả những góc nhìn ủng hộ, chống đối, trung lập, vĩ mô, vi mô, vv, là vì mỗi người đều có một cách tiếp cận vấn đề khác nhau, và khi trình bày họ đều đã có nghiên cứu và đưa ra những bằng chứng minh chứng, thông tin, dữ liệu đã được xác nhận một cách nào đó. Như vậy, khi ta lắng nghe nhiều người, thu thập nhiều thông tin dữ liệu từ nhiều nguồn, ta sẽ có một cái nhìn tròn trịa, đầy đủ, bao quát hơn về vấn đề đó. Người có tư duy phản biện là người tiếp nhận và lắng nghe không phán xét. Vì vậy họ có đầu óc mở, growth mindset – tư duy mở và có chính kiến riêng. Thử đi, vì điều này dễ mà. Chịu khó đọc nhiều hơn từ nhiều nguồn một chút.

Experiment with brain teasers – Thử các trò chơi thử thách não

Này chắc nhiều bạn trẻ thích nè, tìm những trò Brain teaser – thử thách não phải suy nghĩ, tìm ra giải pháp, đặc biệt là cách giải pháp sáng tạo. Cho nên, game cũng nhiều loại nha mọi người. Gamification – game hoá giáo dục là một cách tiếp cận cực đỉnh để giúp rèn luyện kỹ năng. Đừng có thấy game rồi cấm hết. Nhưng phải biết chọn thứ gì tốt cho sự phát triển của mình.

Trên đây là 7 cách rèn luyện mà Phi Vân thấy rất thực tế, ứng dụng được ngay và rất tốt để rèn luyện tư duy phản biện. Nhớ là, tư duy phản biện là top kỹ năng sống còn của thế kỷ 21. Cho nên, bạn nên quan tâm, tập trung rèn luyện cho bản thân, cho người thân, và cả đội ngũ của mình. Khi mọi người có tư duy phản biện thì việc cộng tác nhìn nhận vấn đề, giải quyết vấn đề, và đưa ra giải pháp sẽ cực kỳ hiệu quả, nhanh chóng, và bớt đi được nhiều sự lãng phí thời gian vô ích để cãi nhau.

Link bài trên báo Inc: https://www.inc.com/larry-alton/7-mental-exercises-to-make-you-a-better-critical-thinker.html

Nguồn: https://www.nguyenphivan.com/

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.