4.50 Làm thế nào tôi có thể loan báo Tin Mừng?

 4.50 Làm thế nào tôi có thể loan báo Tin Mừng?

Tin Mừng Đức Giêsu là tin mừng trọng đại – mọi người nên có được cơ hội để nghe Tin Mừng ấy! Và để thực hiện được điều đó cần đến mọi tín hữu. Việc này không yêu cầu có kinh nghiệm, và ta cũng không cần thiết phải trở thành một Kitô hữu hoàn hảo thì mới có thể loan báo Tin Mừng. Tất cả những điều ta cần là lòng hăng say và tình yêu nồng nhiệt dành cho Đức Giêsu. Bạn đã sẵn sàng tham gia chưa?

# Bạn làm được mà!

Nếu bạn có đức tin vào Đức Giêsu, thì Ngài cũng mời gọi bạn dự phần vào công cuộc truyền bá Tin Mừng về tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Bằng những lý do chính đáng, thánh Phêrô đã nói: “Đức Kitô là Đấng Thánh, hãy tôn Người làm Chúa ngự trị trong lòng anh em.

Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em. Nhưng phải trả lời cách hiền hoà và với sự kính trọng. Hãy giữ lương tâm ngay thẳng, khiến những kẻ phỉ báng anh em vì anh em ăn ở ngay thẳng trong Đức Kitô, thì chính họ phải xấu hổ vì những điều họ vu khống” (1Pr 3, 15-16). Điều cuối cùng là một bổ sung quan trọng nhất.

Mỗi người có một giá trị tuyệt vời trong đôi mắt Thiên Chúa, người đã tác tạo chúng ta. Không ai có thể ép buộc người khác phải tin vào tình yêu Chúa, nó luôn là một chọn lựa tự do. Chúng ta phải luôn cố gắng đối đãi mọi người cách dịu dàng và tôn trọng. Ta có thể làm chứng và truyền bá Lời Chúa, nhưng không thể làm biến đổi trái tim một con người.

Chỉ một mình Chúa Thánh Thần mới có thể làm được. Nhưng điều chúng ta cần phải làm là sống chứng tá và chia sẻ về mối hiệp thông giữa ta với Đức Giêsu và Hội Thánh. Điều quan trọng nhất mà ta làm cho người khác chính là đưa ra những những ví dụ sống động về mối tương quan cá nhân với Đức Giêsu.

# Hãy lên đường, đừng sợ, và hãy phục vụ

Nên ghi nhớ điều này, bạn cũng có thể dự phần vào sứ vụ Tân Phúc Âm hóa! (xem 4.49). Hãy lên đường và loan truyền cho mọi người. Kể cho họ nghe về đức tin của bạn, cũng như những kinh nghiệm của bạn về Đức Kitô. Và hãy cầu nguyện cho họ. Bạn sẽ không những được trưởng thành trong đức tin của chính mình, mà còn nhận thức sâu sắc hơn rằng đức tin của ta đúng đắn biết bao.

Không một sự tranh luận chống lại đức tin Công Giáo nào tồn tại, bởi lẽ đức tin ấy chỉ mang duy nhất một thông điệp cốt lõi, sự thật mà Đức Giêsu đã đến để truyền cho chúng ta: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16). Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Hãy lên đường, đừng sợ và hãy phục vụ. Nếu hành động theo ba ý này, bạn sẽ kinh nghiệm rằng những ai truyền bá Tin Mừng sẽ được thấm nhuần Tin Mừng, và những ai gieo rắc niềm vui đức tin sẽ nhận lại càng nhiều niềm hoan hỉ…

Đức Giêsu Kitô đang đặt niềm tin nơi bạn! Hội Thánh tin tưởng bạn! Đức Giáo Hoàng tin tưởng bạn! Nguyện xin Đức Maria, mẹ của Đức Giêsu và là mẹ chúng ta, luôn đồng hành bên bạn với sự dịu dàng của mẹ: ‘anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ’ ” (Mt 28, 19) (Bài giảng, 28/7/2013).

Làm thế nào tôi có thể đóng góp vào việc loan báo Tin Mừng?

• Đối với những người mới bắt đầu, các bạn cần phải xây dựng mối tương quan với Đức Giêsu. Bạn điều này bằng cầu nguyện, tức là việc dành thời gian cho Đức Giêsu (xem 3.1). Cầu nguyện là cách thức truyền giáo đầu tiên. Đức Giêsu muốn trao cho bạn sức mạnh để gia tăng lòng tin và phát triển khả năng của bạn để nói về Ngài. Ngài làm thế bằng một phương thức đặc biệt thông qua các Bí tích (xem 3.35). Bạn được nhận lãnh Thánh Thần thông qua Bí tích Rửa tội và Thêm sức. Đức Giêsu sẽ tha thứ cho bạn hết lần này đến lần khác trong Bí tích Hoà giải, và bạn có thể đón Nhận tình yêu của Ngài qua Bí tích Thánh Thể

  • Hai là, dĩ nhiên bạn cần phải biết điều mình đang nói là gì. Hãy tiếp tục học hỏi về đức tin, về Đức Giêsu và Hội Thánh, về cầu nguyện và đời sống của người Kitô hữu. Tìm hiểu thêm trong phần “đọc thêm” của quyển sách này, phần mềm ứng dụng và trang web. Tuy nhiên, trên hết, hãy tập cho mình thói quen đọc Kinh Thánh thường xuyên, và cầu nguyện với Kinh Thánh. Đó là Lời mà Chúa muốn nói với bạn vào mỗi thời điểm (xem 1.10). Bằng cách đó, bạn có thể học hỏi về ý nghĩa của đức tin và nhận ra đức tin thật sự đúng đắn và có ý nghĩa xiết bao.
  • Ba là, dám nói những lời từ tận đáy lòng. Can đảm nói lên những kinh nghiệm của bạn với Đức Giêsu. Đừng nói: “Các Kitô hữu tin rằng…” nhưng hãy nói: “Tự đáy lòng, tôi tin rằng Chúa yêu bạn.” Bạn có thể diễn đạt điều này bằng ngôn ngữ của mình. Mọi người thường để tâm đến cách bạn nói hơn là từng từ ngữ bạn sử dụng. Hãy thể hiện với họ rằng bạn quan tâm đến Đức Giêsu biết bao! Đừng sợ: Đức Giêsu hứa rằng Chúa Thánh Thần sẽ trợ giúp cho tất cả những ai chân thành muốn nói về Ngài (xem Mc 13, 11).

Đọc thêm:
– Phúc Âm hóa: GLHTCG 425-429; TYGLHTCG 80.