4.47 Sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội như thế nào là hợp lý?
Chúng ta đang sống trong thời đại có rất nhiều phương tiện truyền thông khác nhau, nơi mà chúng ta có thể tìm kiếm một lượng thông tin khổng lồ về hầu hết mọi thứ. Nhưng làm sao bạn biết được trong những thông tin ấy, cái nào thật và cái nào không? (xem 1.8).
Trong cuộc cạnh tranh giữa các trang mạng, báo chí và những chương trình TV, các nhà báo dễ bị cám dỗ chạy theo thị hiếu; để câu dẫn và lôi kéo các du khách, độc giả hay khán giả. Bạn phải nhớ điều này, ví dụ khi bạn xem một bài báo về một nghi phạm; thì nghi phạm đó vẫn vô tội cho đến khi có những bằng chứng chứng minh là có tội. Bạn không có quyền kết tội ai đó khi chỉ dựa vào bản tin tức.
# Quyền cho thông tin
Bạn thường nghe mọi người nói rằng: “Dân chúng có quyền được biết”. Nhưng quyền cho thông tin không phải là tuyệt đối (GLHTCG 2488). Có những điều nên được giữ bí mật (xem bảng). Điều này cũng được áp dụng trong hệ thống trang mạng xã hội của bạn: bạn không thể cứ đăng bừa bất cứ điều gì bạn biết hay nghĩ rằng mình biết.
Trong mỗi tình huống, bạn phải cân nhắc kĩ lưỡng xem có khôn ngoan và bác ái đủ để làm cho điều nào đó được biết đến. Những cảnh báo này phải được cân nhắc bằng tình yêu, tình yêu dành cho người thân cận. Mỗi người có quyền có đời sống riêng tư, kể cả những người nổi tiếng, các chính trị gia và các linh mục.
Do đó, việc suy nghĩ cẩn thận về cách bạn viết về người khác là điều rất quan trọng. Người khác sẽ đọc và hiểu thế nào? Thật sáng suốt khi nhận ra rằng, giữ bí mật trên Internet là không thể được, bởi vì nó là nơi công cộng, chứ không phải riêng tư.
# Căng thẳng ư? Tắt mạng đi!
Mạng xã hội tạo điều kiện cho chúng ta có thể kết bạn một cách dễ dàng và nhanh chóng cũng như rất tiện lợi trong việc giữ liên lạc với bạn bè và người thân. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích ấy, nó cũng mang đến cho chúng ta nhiều căng thẳng hơn bao giờ hết, bởi vì ngoài công việc chính, bạn còn phải làm thêm những việc khác, như là phản hồi lại những tin nhắn nhận được.
Tất cả những emails, Tweets, tin nhắn, các bài đăng tải cùng những phương tiện giao tiếp khác luôn lôi kéo chúng ta phải chú ý đến nó. Những căng thẳng ấy nhiều khi vô tình tạo ra những rào cản, làm ta khó khăn trong việc dành thời gian cho những việc quan trọng, chẳng hạn như việc cầu nguyện (xem 3.7). Làm sao bạn có thể lắng nghe tiếng Chúa khi mà những âm thanh bíp bíp và những tiếng chuông ồn ào báo tin nhắn đến cứ văng vẳng bên tai?
Làm sao bạn thực sự dành thời gian cho Chúa nếu trước lúc cầu nguyện, bạn đã tranh thủ đọc lướt qua vài email đang chờ bạn trả lời? Điều tương tự cũng đang diễn ra với mối quan hệ với bạn bè và người thân. Một điều tuy hiển nhiên, nhưng vẫn rất cần nhận thức rằng không sử dụng các thiết bị điện thoại di động hay máy tính trong chốc lát, bạn cũng vẫn sống ngon lành. Hãy mạnh dạn tắt mạng nhà mình đi để có thể gặp gỡ trực tuyến với Chúa và những người mà bạn yêu thương!
# Lạm dụng
Các phương tiện truyền thông đại chúng là một phương thức rất hữu hiệu giúp ta giữ liên lạc với người khác, nhưng chúng cũng có thể bị lạm dụng. Việc có nhiều “bạn” trên mạng xã hội được xem như là một việc rất “oách”, nhưng cũng chính nơi ấy, người ta cũng rất dễ dàng hủy bỏ kết bạn với những người bạn “ảo” của mình.
Hơn nữa, các phương tiện truyền thông đại chúng cũng là nơi mà con người phải đối mặt với nhiều nguy cơ như bị quấy rầy, bị khủng bố hay bắt nạt. Cố ý gây tổn thương cho người khác bằng cách này là một tội trọng. Mỗi con người khi sinh ra đều có quyền được tôn trọng, ai cũng có phẩm giá riêng của mình.
Vì thế, Đức Giêsu đã kêu gọi các môn đệ Ngài phải yêu thương mọi người như chính mình! Lời dạy dỗ này cũng phải được thực thi trong cách chúng ta đối xử với mọi người trên mạng Internet, thậm chí đến mức độ mà Đức Giêsu yêu cầu chúng ta “hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5, 44).
Tôi có được phép nói dối để cứu người khác không?
Khi nói dối, bạn đã phạm vào giới răn của Thiên Chúa (xem Xh 20, 16). Dối trá, buôn chuyện và vu khống: đó là những cách không tôn trọng sự thật và gây tổn thương đến người khác. Dĩ nhiên, bạn có quyền nói đùa hoặc kể những câu chuyện không hoàn toàn đúng sự thật, miễn là người mà bạn đang nói chuyện biết được rằng, những câu chuyện đó chỉ là thí dụ mà bạn dùng để giải thích một điều gì đó. Không nói sự thật và nói dối là hai việc khác nhau: giả dụ, bạn không nói với một người rằng bạn nghĩ anh ta xấu trai bởi vì bạn không muốn làm tổn thương người đó. Đôi lúc, bạn cần phải che giấu sự thật. Hãy nghĩ về chiến tranh, nơi mà những người vô tội bị giết hại vô cớ. Nếu bạn cho phép ai đó lẩn trốn trong nhà mình, và sự sống của họ tùy thuộc tất cả vào câu trả lời của bạn, trong một số ít trường hợp, bạn có thể quyết định giữ trong đầu, nghĩa là bạn chủ ý giữ lại một phần sự thật không nói cho kẻ xấu biết. Và cùng đích của những hành động này là bảo vệ sự an toàn cho chính bạn hoặc cho những người khác. Các cha giải tội có bổn phận chuyên biệt là phải giữ bí mật những tội của hối nhân, và trong một số trường hợp bị xét hỏi, các ngài cũng có thể thực hành việc giữ kín trong đầu. Tuy nhiên, ngoài những trường hợp ngoại lệ kể trên, chúng ta nên cố gắng tránh xa những hành động cố ý nói dối. |
Đọc thêm:
- Quyền cho thông tin: GLHTCG 2488-2489; TYGLHTCG 524; YOUCAT 457.
- Phương tiện truyền thông xã hội: GLHTCG 2493-2499, 2512; TYGLHTCG 525; YOUCAT 459.
- Bí mật toà giải tội và bí mật nghề nghiệp: GLHTCG 2490-2491, 2511; TYGLHTCG 524; YOUCAT 457-458