4.45 Có phải Giáo huấn Xã hội Công Giáo dạy về việc chăm lo cho người nghèo?

 4.45 Có phải Giáo huấn Xã hội Công Giáo dạy về việc  chăm lo cho người nghèo?

Đức Giêsu đã đến trần gian để “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn”, để “công bố cho kẻ giam cầm biết họ được tha”, và để trả lại “ánh sáng cho kẻ mù loà” (xem Lc 4, 18). Ngài nói chính Ngài làm một với những kẻ “bé mọn nhất”, đó chính là những người nghèo khó (xem Mt 25, 40).

Sự đồng hoá này là nền tảng cho việc bác ái trong Hội Thánh. Các Kitô hữu phải luôn quan tâm đặc biệt đến những anh chị em nghèo khó, đau yếu, bệnh tật, và cô độc, cũng như những người đang cần sự giúp đỡ. Đức Giêsu cũng kêu gọi chúng ta để tâm đến những người khác nữa (xem 3.50). Nếu chúng ta ngắm nhìn thế gian qua đôi mắt của Chúa, chúng ta thể thấy rằng mỗi con người đều mang một phẩm giá đặc biệt.

# Giáo huấn Xã hội Công Giáo

Chính Thiên Chúa là một hữu thể xã hội, bởi vì Ngài là sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Vị (xem 1.33). Thiên Chúa không muốn giữ tình yêu của Ngài cho riêng mình, nhưng muốn sẻ chia với chúng ta. Chúng ta cũng có bổn phận chia sẻ tình yêu của mình với những người khác. Đó chính là nền tảng – trong đó phẩm giá con người là cốt lõi – cho những giáo huấn xã hội của Hội Thánh.

Mỗi người đều được Thiên Chúa tạo dựng bằng tình yêu và vì thế, họ xứng đáng được yêu mến và giúp đỡ. Với nguyên tắc đó, chúng ta có thể nói nhiều điều về phú quý và nghèo hèn, các điều kiện kinh tế xã hội, và cả vai trò của nhà nước, điều mà Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã đề cập trong những thông điệp của Ngài Deus Caritas Est (Thiên Chúa Là Tình Yêu) và Caritas in Veritate (Bác Ái trong Chân Lý).

Những thông điệp này nhấn mạnh những Giáo huấn Xã hội Công Giáo, đã có từ Đức Giêsu. Mỗi một thời đại cần áp dụng khác nhau trong cùng những nguyên tắc bác ái. Chẳng hạn, vào năm 1891, trong Tông huấn Rerum Novarum của mình, Đức Thánh Cha Lêô XIII đã đề cập đến vấn đề nhà ở và điều kiện làm việc của người lao động (xem 2.45). Họ phải được nhận một mức tiền lương xứng đáng, và phải có quyền lao động cũng như sở hữu tài sản cá nhân. Nền chủ nghĩa tư bản mà không có công bằng cho những người lao động thì không mang tính Kitô Giáo (xem 4.48)

# Liên đới và bổ trợ

Liên đới là một nguyên tắc quan trọng trong Giáo huấn Xã hội Công Giáo. Nó bao gồm việc nối kết mối quan tâm của ta với những mối quan tâm của người khác. Chúng ta không chỉ nên sẻ chia những cái mình có, nhưng phải bảo đảm rằng người khác cũng có phần được hưởng trong tài nguyên trái đất và tham dự vào phẩm giá lao động (xem 4.48).

Một nguyên tắc khác cũng không kém phần quan trọng của Giáo huấn Xã hội Công Giáo là nguyên tắc bổ trợ, điều mà Đức Giáo Hoàng Piô XI đã thảo luận trong Thông điệp Quadragesimo Anno của Ngài năm 1931. Nói một cách ngắn gọn, nguyên tắc bổ trợ là bất cứ điều gì người dân có thể tự làm cho mình thì chính phủ không được can thiệp vào: “Cũng như nó là sai lầm nghiêm trọng để lấy từ cá nhân những gì họ có thể thực hiện bằng sáng kiến của mình và làm ra nó và cống hiến cho cộng đồng, do đó cũng là một bất công và đồng thời một tội trọng và sự xáo trộn quyền bính khi giao cho một tổ chức lớn hơn và cấp trên làm những điều mà những tổ chức thấp hơn và cấp dưới hơn có thể làm được” (số 79). Do đó, các cá nhân, tổ chức, và các cơ quan nhà nước chỉ nên làm những điều thích đáng với họ.

# Ba yếu tố nền tảng

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói rằng Giáo huấn Xã hội Công Giáo “dựa trên ba yếu tố nền tảng là phẩm giá con người, liên đới và bổ trợ” (Ecclesia in America, 55). Mọi điều chống lại nền tảng này cần phải bị loại trừ. Một lần nữa, chúng ta cần phải nhấn mạnh vai trò của phẩm giá con người và công bằng trong những vấn đề về phân chia tài sản cũng như các cơ hội có được.

 

Tin Mừng Sự Sống!

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết rằng việc bảo vệ sự sống con người thường nhận được ít sự quan tâm hơn những thắc mắc về các vấn đề xã hội. Ở mức độ toàn cầu, Ngài nhận thấy rằng “có sự lớn mạnh về cảm thức đạo đức, nhạy bén trong việc công nhận giá trị và phẩm giá của mỗi cá nhân như là một con người, không phân biệt chủng tộc, quốc tịch, tôn giáo, quan điểm chính trị hay tầng lớp xã hội nữa.”

Nhưng cùng lúc đó, Ngài cũng nhìn thấy “sự gia tăng không ngừng và lan rộng những lời biện minh cho các hành động xâm phạm sự sống con người… Và việc từ chối chấp nhận kẻ yếu thế và khó nghèo, già cả, hay những trẻ mới được thụ thai” (xem 4.26).

Sự quan sát của Ngài đi sát với Giáo huấn Xã hội của Hội Thánh. Đức Thánh Cha nhận thấy rằng việc xâm phạm đời sống con người ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của họ, là hiểm hoạ cho nền dân chủ: “Thay vì là những xã hội sống chung hoà hợp, các quốc gia của chúng ta có nguy cơ trở thành các xã hội của những người bị loại trừ, những người ở ngoài lề; những người bị biệt xứ, những kẻ bị xua đuổi.” Vì vậy, ngài nói: “Có nên đặt lại vấn đề các mô hình kinh tế được các quốc gia thường theo đuổi, nhất là được quyết định do sức ép có tính cách quốc tế là những sức ép tạo ra và duy trì các hoàn cảnh bất công và bạo lực trong đó sự sống con người của trọn cả những dân tộc bị làm cho giảm giá, và bị đàn áp hay không?” (Thông điệp Evangelium Vitae, 18).

Đọc thêm:

  • Giáo huấn Xã hội của Hội Thánh: GLHTCG 2419-2423; TYGLHTCG 509; YOUCAT 438