4.37 Khi nào thì một người chết?

 4.37 Khi nào thì một người chết?

Chết không phải là điều chúng ta muốn nói đến. Chúng ta thường kinh nghiệm về cái chết của một người quen biết; đó là một sự đau đớn, một tổn thất lớn lao. Đồng thời, cái chết cũng hấp dẫn chúng ta. Hãy suy nghĩ về sự thành công của những vụ giết người bí ẩn và phim kinh dị. Mọi người đều phải chết, nhưng có rất nhiều điều chúng ta vẫn chưa biết về cái chết. Công đồng Vatican II (xem 2.48) cho biết: “Trước cái chết, bí ẩn về thân phận con người lên cao tới tột độ” (Hiến chế Gaudium et Spes, 18).

Như chúng ta biết, cái chết là một phần của tự nhiên, nhưng cũng là “lương bổng mà tội lỗi trả cho người ta” (Rm 6, 23). Do Sự sa ngã, cái chết đã đi vào trần gian. Từ đó trở đi, tất cả con người phải chết (xem 1.4).

# Ao ước được chết?

Kitô hữu mong muốn được chết vì họ hy vọng được gặp Thiên Chúa. Vì Chúa Giêsu, cái chết có thể được xem là một điều tích cực. Thánh Phaolô nói: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi” (Pl 1, 21). Ngài thực sự khao khát được chết: “Ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Kitô, điều này tốt hơn bội phần” (Pl 1, 23).

Nhưng khi nào ta chết thì không tùy thuộc vào ta (xem 4.38). Vì lý do này, Thánh Phaolô nói thêm: “nhưng ở lại đời này thì cần thiết hơn, vì anh em. Và tôi biết chắc rằng tôi sẽ ở lại và ở bên cạnh tất cả anh em để giúp anh em tấn tới và được hưởng niềm vui đức tin mang lại cho anh em” (Pl 1, 24-25).

# Khi nào một người chết?

Chúng ta đã thật sự quan tâm đến những câu hỏi xung quanh nguồn gốc của sự sống con người (xem 4.26). Cũng nên suy nghĩ kỹ về sự kết thúc sự sống của chúng ta trên trái đất. Xác định chính xác thời điểm chết là rất quan trọng – đặc biệt khi người đang hấp hối là người hiến tạng (xem 4.40). Nếu bạn muốn lấy các nội tạng quá sớm và gây tử vong cho người đó, đó là giết người; nhưng nếu bạn đợi quá trễ, các nội tạng có thể đã bắt đầu phân hủy và không còn sử dụng được nữa. Trong một đại hội về hiến tạng,

Đức Gioan Phaolô II nhắc lại niềm tin của Hội Thánh rằng cái chết là thời điểm linh hồn lìa khỏi thân xác (29/8/2000). Tuy nhiên, rõ ràng là thời điểm này không thể được xác định một cách chính xác bằng các phương tiện khoa học. Đó là lý do tại sao, theo Đức Giáo Hoàng, các nhà khoa học không nên cố gắng tìm ra chính xác thời điểm chết, mà là tìm ra các dấu hiệu sinh học để chắc chắn rằng ai đó thực sự chết.

# Xác định cái chết

Dấu hiệu thông thường đủ để xác định là đã ngưng tim và ngưng thở. Tuy nhiên, đối với một người thở bằng bình dưỡng khí, hơi thở là dấu hiệu của sự sống? Sự đồng thuận về y khoa hiện nay là một người chắc chắn đã chết khi tất cả hoạt động của não hoàn toàn ngừng lại và không thể đảo ngược được (tại đại não, tiểu não và thân não). Nếu được áp dụng nghiêm ngặt, các tiêu chuẩn này có thể giúp bác sĩ chắc chắn về mặt luân lý rằng một người thực sự đã chết (ĐGH Gioan Phaolô II, 29/8/2000)

Tình trạng thực vật?

Những người bị hôn mê đôi khi được cho là đang ở trong “trạng thái thực vật”, như thể cuộc sống của họ giống như cỏ cây. Thuật ngữ này gây hiểu lầm vì người đang hôn mê vẫn thở, trái tim vẫn đập và một số hoạt động của não được ghi nhận. Đó là tất cả dấu hiệu của sự sống. Người đang hôn mê có quyền được chăm sóc y tế như những bệnh nhân khác, bao gồm việc thở oxy, truyền dịch và cung cấp dinh dưỡng (xem 4.39). Chúng ta không thể kết luận về giá trị của một người trong trạng thái hôn mê: sự sống con người không bao giờ có thể được coi là thực vật thực sự. Tuy nhiên, khi các can thiệp y khoa tiếp theo không có lợi cho bệnh nhân, chúng ta có thể ngừng các phương tiện chăm sóc đặc biệt (xem 4.39).

 

Đọc thêm:
– Chết không phải là hết: GLHTCG 1005-1014, 1016, 1019; TYGLHTCG 206; YOUCAT 155.
– Sự tách biệt thân xác và linh hồn: GLHTCG 997-1004, 1016-1018; TYGLHTCG 205; YOUCAT 154.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.