2.41 Công đồng Trentô là gì?

 2.41 Công đồng Trentô là gì?

Công đồng Trentô đóng một vai trò quan trọng trong Phong trào Phản Cải cách (xem 2.40). Công đồng này là cuộc họp của các giám mục được triệu tập bởi Đức Giáo Hoàng Phaolô III vào năm 1545, với yêu cầu của hoàng đế Charles V. Cũng như các Công đồng trước đó, mối quan hệ giữa giáo hoàng và hoàng đế một lần nữa là lý do cho sự căng thẳng chính trị và ngoại giao mà Công đồng muốn xoa dịu (xem trong khung).

# Luật và giám sát
Trong Công đồng Trentô, một số lạm dụng trong Hội Thánh đã được giải quyết, như các câu hỏi được Phong trào Cải Cách đưa ra (xem 2.36). Giám mục và linh mục được mời gọi lập lại kỷ cương: họ phải sống trong giáo phận hay giáo xứ của mình để thi hành việc chăm sóc tốt hơn đàn chiên được giao phó cho họ. Khả năng sở hữu tài chính của họ bị giới hạn bởi Công đồng qua việc bị trừng phạt nếu bán ân xá (xem 2.35). Việc giám sát và thăm viếng đã được thêm vào để tăng cường các quy tắc trên đây. Việc đào tạo linh mục phải thực hiện trong chủng viện, nơi mà những thanh niên trẻ tuổi có thể nhận được sự huấn luyện tốt về tinh thần và trí tuệ.
Ngay cả giáo dân, người lớn và trẻ em, sẽ nhận sự dạy dỗ về đạo nghĩa từ các linh mục của họ. Một ví dụ điển hình về vị giám mục trung thành đem những cải cách này vào thực tế là Thánh Charles Borromeo (†1584). Là tổng giám mục thành Milan, ngài đã cống hiến cả cuộc đời trong vai trò mục tử của giáo phận. Ngài đã chăm lo huấn luyện các linh mục, thành lập các chủng viện mới. Ngài cũng soạn thảo bản hướng dẫn rất có ảnh hưởng đối với việc xây dựng các giáo xứ.

# Bí tích và giảng dạy
Công đồng Trentô tái nhấn mạnh đến yếu tố căn bản của đức tin, các Bí tích, và cơ cấu của Hội Thánh. Công đồng dạy rằng Thiên Chúa tỏ mình ra trong cả Kinh Thánh và Tông Truyền (xem 1.11). Để đối phó với các Nhà cải cách (Tin Lành), Công đồng Trentô xác tín rằng mọi người có thể và nên hợp tác với ân sủng của Đức Giêsu, Đấng muốn cứu độ tất cả mọi người (xem 4.8). Ngoài ra, Công đồng xác định và mô tả rõ ràng bảy Bí tích của Hội Thánh (xem 3.35). Sự hiện diện thực sự của Đức Giêsu trong Bí tích Thánh Thể – Mình và Máu, Linh hồn, và Thiên Tính – được tái khẳng định (xem 3.48). Thông điệp chính của Công đồng là Hội Thánh phải loan báo Tin Mừng của Đức Giêsu cho mọi người (xem Mc 13, 10) và làm cho Đức Kitô hiện diện giữa các tín hữu. Tóm lại, Công đồng Trentô đã có một tác động rất tích cực và quan trọng trong Hội Thánh.

# Sách Giáo Lý và các cuốn sách khác
Sau Công đồng Trentô, Sách Giáo Lý Rôma, một cuốn sách giải thích đức tin đã được Đức Giáo Hoàng Piô V phát hành. Việc phát minh ra máy in, vốn đã đóng một vai trò lớn trong Phong trào Cải Cách, cũng là phương tiện giúp truyền bá nhanh chóng cuốn sách này trong thế giới Kitô Giáo và xa hơn nữa. Đức Piô V cũng phê duyệt các sách phụng vụ để sử dụng trong toàn thể Hội Thánh.
Chúng bao gồm Sách lễ Rôma, với các bản văn dùng trong Thánh Lễ; và Kinh Nhật tụng Rôma, bao gồm kinh nguyện hàng ngày cho các linh mục. Với một số thay đổi nhỏ, những cuốn sách này đã từng được sử dụng trên toàn Hội Thánh cho đến năm 1969 (xem 3.13).

Một hơi thở dài
Những tham dự viên của Công đồng Trentô đã rất kiên nhẫn, vì phải kéo dài đến 18 năm Công đồng mới kết thúc. Ban đầu Công đồng được triệu tập bởi Đức Giáo Hoàng Phaolô III tại thành phố Trentô của Ý vào ngày 13/12/1545. Trong năm 1547 những căng thẳng giữa giáo hoàng và các vị hoàng đế trở nên nghiêm trọng, và một bệnh truyền nhiễm bùng phát. Do đó, Công đồng được quyết định tiếp tục họp ở Bologna (Tây Ban Nha). Do mối quan hệ khó khăn với hoàng đế, giáo hoàng đình chỉ Công đồng đến cuối năm đó.
Năm 1551 Đức Giáo Hoàng Julius III triệu tập Công đồng ở Trentô để tiếp tục thảo luận. Nhưng một năm sau đó hoàng đế Charles V bị đánh bại và Công đồng đã một lần nữa bị hoãn lại. Năm 1562, dưới thời Đức Giáo Hoàng Piô IV, các phiên họp cuối cùng đã được tổ chức, và Công đồng đã chính thức kết thúc vào ngày 04/12/1563. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, các quyết định của Công đồng đưa đến nhiều thay đổi và điều chỉnh tích cực trong Hội Thánh.