2.3 Ai “ngự” trên ngai toà Phêrô, nghĩa là Toà Thánh?

 2.3 Ai “ngự” trên ngai toà Phêrô, nghĩa là Toà Thánh?

Toà Thánh là ngai tòa của giám mục Roma, Đức Giáo Hoàng. Vì giáo hoàng,  kế vị Tông đồ Phêrô, nên ngai toà cũng được gọi là Tông Toà.
Điều này hơi giống như một ngai vàng nơi mà một nhà vua trị vì, đồng hành và phán xét dân của mình.

# Ghế của người điều hành
Thông thường khi chúng ta nói về Toà Thánh, ta không chỉ ám chỉ về một cái ghế. Toà Thánh là trung tâm điều hành của Hội Thánh. Nếu Đức Giáo Hoàng từ trần (hoặc từ chức như ĐGH Bênêđictô XVI), toà bị trống (sede vacante). Sau đó, Toà Thánh như một tổ chức, với tất cả các vị hồng y tập hợp lại tiếp tục cai quản Hội Thánh cho đến khi một giáo hoàng mới được bầu chọn. Tại thời điểm đó chỉ các vấn đề cấp bách được xử lý: phần còn lại phải chờ đợi cho đến khi có một giáo hoàng mới (xem 2.4). Phù hiệu của Toà Thánh được hình thành bởi hai chìa khoá chéo nhau. Hình ảnh này nhắc nhớ việc Đức Giêsu đã trao cho Phêrô chìa khoá (xem 2.17). Trên các chìa khoá là vương miện ba tầng (tiara) hoặc mũ của Đức Giáo Hoàng.

# Vatican hay Toà Thánh?
Theo các điều ước quốc tế, Toà Thánh là một thực thể pháp lý có thể tham gia vào các mối quan hệ
ngoại giao với các nước khác. Nhưng Toà Thánh tự nó không phải là một quốc gia, đây là điều làm cho
vị trí của nó riêng biệt. Tất nhiên thành phố Vatican là một “nhà nước”, được đại diện bởi Toà Thánh
(xem 2.6). Vì vậy, khi bạn nghe nói rằng Vatican đã quyết định điều gì hoặc không muốn cái gì, luôn
luôn có nghĩa là Toà Thánh đã quyết định hoặc chống lại một điều gì đó.
Toà Thánh chứ không phải là thành phố Vatican, là thực thể tham gia vào các mối quan hệ ngoại giao
quốc tế của Đức Thánh Cha như đã làm trong lịch sử. Giữa năm 1870 và 1929, Nước của giáo hoàng
đã bị chiếm đóng, và Đức Giáo Hoàng không có đất nước một cách chính thức. Tuy nhiên, Toà Thánh tiếp tục duy trì quan hệ ngoại giao với nhiều nước (xem 2.44-2.45). Trong năm 1929, Hiệp ước Latêranô quy định Toà Thánh sẽ có một nhà nước độc lập, là thành phố Vatican (xem 2.6).

# Đức Giáo Hoàng như một người điều đình
Tại sao một quốc gia muốn có quan hệ ngoại giao với Hội Thánh? Thỉnh thoảng ta nghe các đại sứ nói
rằng Toà Thánh có nhiều thông tin hơn so với bất kỳ cơ quan mật vụ nào, bởi vì rất nhiều thông tin
được đem về từ các giáo hội địa phương và các nhà truyền giáo trên khắp thế giới.
Ngoài ra, vị thế của Toà Thánh về quyền con người chẳng hạn, cũng được đánh giá cao bởi nhiều quốc
gia. Vị trí trung lập và sự tôn trọng đối với các chính phủ hay đảng phái chính trị là một lợi ích lớn trong các tình huống khủng hoảng hay trong đàm phán hoà bình giữa các nước có chiến tranh. Hội Thánh có thể thực hiện nghĩa vụ Kitô Giáo, bởi vì trong những tình huống này, Hội Thánh có thể được tín nhiệm hơn các phe phái chính trị.

 

Tại sao cần có chính sách ngoại giao của Toà Thánh?
Bạn có thể tự hỏi tại sao Hội Thánh đặt quá nhiều công sức vào việc duy trì một mạng lưới ngoại giao ở nhiều quốc gia thường không đồng chính kiến với Hội Thánh. Chính nhờ mạng lưới này mà Hội Thánh để cho tiếng nói rõ ràng của mình được nghe thấy trong một xã hội thường không có chút quan tâm về những người yếu kém và thiếu thốn. Các chủ đề như tự do tôn giáo, giải trừ quân bị, quyền được sống, thức ăn và chỗ ở cho tất cả mọi người phải luôn được quan tâm hàng đầu.
Điển hình là thông điệp Caritas in Veritate (Bác Ái trong Chân Lý) của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI. Trong đó ngài đã nói về các vấn đề đương đại như toàn cầu hoá, nền kinh tế thị trường, và các nguồn năng lượng thay thế. Ngài kêu gọi mọi người bớt tham lam, chia sẻ nhiều hơn, và được hướng dẫn bởi lương tâm của họ trong các quyết định về kinh tế và môi trường. Ngài cũng thảo luận về giải trừ quân bị, hoà bình, và bảo đảm nguồn thức ăn cho tất cả. Caritas in Veritate thu hút sự quan tâm rộng rãi, một phần vì Đức Giáo Hoàng kêu gọi một cuộc cải cách của Liên Hiệp Quốc. Ngài đã không viết bất cứ điều gì mới nhưng chỉ dựa vào những giáo huấn xã hội của Giáo hội Công Giáo như là một áp dụng thực tế của Tin Mừng (xem 4.45).

 

Đọc Thêm:
– Đức Giáo Hoàng là người kế vị Thánh Phêrô: GLHTCG 880-882, 936-937; TYGLHTCG 182; YOUCAT 141.