1.24 Tại sao dân Israen lại đi lang thang trong sa mạc suốt 40 năm?
Giuse, một trong những người con trai của Giacóp (xem 1.23)đã sống ở Ai Cập sau khi các anh em bán ông làm nô lệ (St 37-39). Sau đó, khi một nạn đói xảy ra nơi quê nhà của họ, 11 anh em của Giuse đã đến sống với ông ở Ai Cập (St 42-47).
Dòng dõi của họ dần dần trở nên đông đúc đến nỗi vua Pharaô phải biến họ thành nô lệ. Thiên Chúa biết dân Israen đã chịu đựng nỗi thống khổ này như thế nào. Khi những người mà Thiên Chúa yêu thương đau khổ, thì chính Ngài cũng đau khổ (xem 1.37).
# Ông Môsê
Thiên Chúa đã chọn Môsê từ dân của Ngài ở Ai Cập để dẫn họ đến một đời sống tốt hơn. Tuy nhiên, Môsê quá sợ hãi khi đảm nhận công việc này. Ông không tin đủ vào Thiên Chúa và bản thân. Ông than thở rằng: “Họ sẽ không tin con đâu, họ sẽ không nghe lời con” (Xh 4, 1). Sau đó Thiên Chúa đã cho Môsê những dấu chỉ nhờ đó ông có thể chứng minh cho mọi người thấy rằng ông đang hành động nhân danh Thiên Chúa. Khi Môsê quẳng chiếc gậy của ông xuống đất thì nó biến thành con rắn (xem Xh 4, 3). Bàn tay của ông trở nên phong hủi khi ông đặt tay vào áo choàng của ông. Và khi ông đặt tay lại vào áo choàng thì phong cùi biến mất (xem Xh 4, 6). Nhưng Môsê vẫn thối lui vì cho rằng ông không giỏi ăn nói. Thiên Chúa trở nên bực bội với Môsê và nói rằng Aaron anh của ông có thể nói thay ông. Dầu nghi ngờ và yếu đuối, với sự giúp đỡ của Thiên Chúa, Môsê đã từng bước hoàn thành những công việc mà ông đã được giao phó.
# Đầu tiên: xuyên qua sa mạc
Thiên Chúa đã giúp đỡ để giải phóng dân Israen khỏi ách nô lệ bên Ai Cập. Môsê tiếp cận Pharaô và bảo ông để cho dân Israen ra đi nhân danh Thiên Chúa. Nhưng Pharaô từ chối. Sau đó Thiên Chúa đã giáng 10 tai họa xuống Ai Cập, nên cuối cùng Pharaô miễn cưỡng để cho dân ra đi.
Sau khi ra khỏi Ai Cập, dân Israen bắt đầu một cuộc hành trình 40 năm. Mỗi ngày Thiên Chúa ban cho họ của ăn gọi là manna.Đó là một bài học của sự tin tưởng: họ không thể giữ “bánh từ trời” này vì nó sẽ bị hư. Nó chỉ đủ cho một ngày (Xh 16). Trên núi Sinai, Thiên Chúa đọc cho Môsê viết Mười Điều Răn. Như vậy, Thiên Chúa đã đi vào trong giao ước mới với dân Ngài (Xh 19-20; 24; xem 1.27). Bia đá có Mười Điều Răn được giữ trong Hòm Bia Giao Ước và được dân mang theo suốt thời gian lang thang trong sa mạc và sau đó được đặt trong Đền ThờGiêrusalem. Vì dân cứ vi phạm Điều Răn và không tin tưởng Thiên Chúa, họ bị phạt phải lang thang trong 40 năm. Sau đó, Môsê và dân Israen đã đến ranh giới của vùng đất Thiên Chúa đã hứa với Abraham, Isaac và Giacop (xem Đnl 34, 4). Môsê đã chết trước khi dân đi vào Đất Hứa để xây dựng một tương lai mới cho họ. Những quyển sách khác của Cựu Ước nói về phần còn lại của câu chuyện này.
# Từ Đất Hứa đến Thiên đàng
Thiên Chúa đã hứa một giao ước khác với dân Ngài (xem Gr 31, 31). Đức Giêsu đã đến để hoàn tất lời hứa này bằng cách giải phóng con người khỏi ách nô lệ tội lỗi – cũng như Thiên Chúa đã giải phóng dân Israen khỏi ách nô lệ Ai Cập. Ngài đã thiết lập Hội Thánh của Ngài, là Israen. Mới không phải trên nền tảng 12 chi tộc nhưng trên nền tảng 12 Tông đồ. Bằng giao ước mà Ngài đã thay mặt chúng ta kí kết với Thiên Chúa, Đức Giêsu muốn đưa chúng ta vào Đất Hứa là Thiên đàng. Vì Ngài đã dâng hiến mạng sống cho ta nên ta có thể tin tưởng và cậy dựa nơi Ngài (xem 1.28).Do đó, chúng ta không bao giờ mất niềm hy vọng, ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn nhất.
Tên Thiên Chúa là gì?
Môsê đang đi lang thang trong sa mạc cùng với bầy chiên của ông thì bỗng thấy một bụi cây bốc cháy. Khi ông bước tới gần thì thấy bụi cây đang cháy nhưng không bị thiêu rụi. Sau đó ông nghe thấy tiếng Chúa phán: “Chớ lại gần! Cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh” (Xh 3, 5). Khi Môsê hỏi tên của Chúa, Ngài nói: “Ta là Đấng Hiện Hữu” (Xh 3, 14). Thiên Chúa là Đấng tự hữu. Ngài Hiện hữu. Ngài luôn ở đó cho mọi người thuộc mọi thời đại. Ngài cũng ở đó cho bạn! Trong tiếng Do Thái, tên Thiên Chúa được viết là YHWH. Những chữ cái này không thể phát âm được khi không có nguyên âm. Điều này có ý nói rằng ta không thể hoàn toàn biết và hiểu Thiên Chúa, Ngài không thể được diễn tả đầy đủ bằng ngôn ngữ của loài người. Thiên Chúa luôn vĩ đại hơn khái niệm của chúng ta về Ngài. |
Đọc thêm
Israen:Ex 1-24; GLHTCG 8, 38-40; YOUCAT 8
Trích sách: Tweets với Chúa